Sáng mãi ánh lửa nơi tù ngục

Tuệ Phương 04/07/2017 15:45

Chiến tranh đã đi qua ngót 30 năm nhưng những kí ức về một thời bom lửa vẫn hằn in trong tâm khảm của nhiều Cựu chiến binh, thương binh bị địch bắt và tù đày tại nhà tù Hòa Lò (Hà Nội) để mỗi dịp 27 – 7 đến, những người lính cộng sản lại nắm chặt tay, ôn lại kỉ niệm của một thời máu lửa mà trong lòng ai cũng xót xa.

Cựu tù Hỏa Lò gặp mặt nhân dịp kỉ nhiệm ngày Thương binh liệt sĩ.

Ánh lửa từ "địa ngục trần gian"

Những ngày tháng Bảy, không khí tại Khu Di tích nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm), vừa trang nghiêm vừa bồi hồi, day dứt. Đúng vào ngày khai mạc triển lãm "Thép nơi lửa ngục" ngày 4/7, hơn 100 chiến sĩ Cách mạng từng chịu lao tù của thực dân đế quốc lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm xưa.

Chính tại nơi này, nhiều thế hệ chiến sĩ Cách mạng từng bị thực dân Pháp giam giữ tù đày. Có những người tìm đường vượt ngục, về miền ánh sáng. Nhưng nhiều người trong số họ anh dũng hy sinh.

Nhớ về những năm tháng ấy, ông Tạ Quốc Bảo (huyện Đông Anh, Hà Nội), lão thành Cách mạng kể lại: "Ngày ấy tôi là tù nhân trẻ nhất, mới 16 tuổi. Tôi bị giam cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ, chứng kiến quá trình đấu tranh kiên trung bất khuất của đồng chí cho đến giờ phút cuối cùng, khi đồng chí bị dẫn đi tử hình. Đó là tấm gương sáng để suốt đời sau này tôi noi theo".

Nói đến nhà tù Hỏa Lò khi ấy là một trong những nhà tù kiên cố nhất Đông Dương, với nhiều thủ đoạn tra tấn tàn nhẫn. Nhưng ngay cả khi sự sống và cái chết cận kề, họ vẫn một lòng kiên trung.

Ông Đặng Trần Nghiêm, Cựu tù Hỏa Lò là một người như thế. Tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, tất cả các cuộc mít tinh, biểu tình của Hà Nội từ Bờ Hồ, Tràng Thi, Tràng Tiền cho đến cột cờ Hà Nội đều in đậm dấu chân ông. Mặc dù có thâm niên 9 năm bị giam hãm, phải trải qua hàng trăm trận đòn roi thừa sống thiếu chết của quân Pháp nhưng lòng kiên trung, ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn cháy rực trong ông.

Kể về những tháng năm hào hùng đó, ông Tiến cho biết: Khoảng những năm 1940 của thế kỷ trước, Bác Hồ khi đó mới trở về nước và rút vào hoạt động bí mật. Được sự chỉ điểm của mật thám, quân Pháp kéo đến lục soát nhà ông. Chúng tìm được cuốn tài liệu giới thiệu về cách chế tạo súng tiểu liên bằng tiếng Pháp. Nghi ngờ ông theo cộng sản, chúng bắt ông vào nhà tù Hỏa Lò. Những trận đòn, những luồng điện cao thế liên tục đưa vào người hòng khuất phục ý chí. Đánh chán chê, chúng lại treo ngược ông lên xà lan.

Đã bao lần ông tìm cách trèo tường vượt ngục nhưng bất thành. Lúc đó, nhiều chiến sĩ bị bắt nhưng vẫn âm thầm hoạt động và tìm mọi cách kết nối liên lạc với bên ngoài. Được sự động viên của những người cộng sản chân chính, lòng quyết tâm, ý chí sắt đá của ông một lần nữa lại được củng cố vững chắc hơn.

Liệt sĩ Phạm Hướng cũng là một trong những Cựu tù Hỏa Lò kiên trung mà khi nhắc đến ông ai cũng tỏ rõ sự khâm phục. Tận mắt chứng kiến người anh ruột của mình bị địch bắt, ông Phạm Bảo không khỏi bồi hồi. 67 năm qua đi, hôm nay ông mới có dịp quay trở lại trại giam nơi ghi đậm dấu chân của người anh ruột.

Thời gian qua đi, cảnh sắc và con người đổi thay nhưng kỉ niệm thì mới như ngày hôm qua. “Anh Hướng không vợ không con. Hồi đó, anh phụ trách Thanh thiếu niên của Hà Nội. Ngày 1/5/1950, anh bị địch bắt tại cột Đồng Hồ (Bưu điện Bờ Hồ ngày nay). Chúng nhốt anh vào nhà lao Hỏa Lò sau đó đầy ra Côn Đảo. Biết tin anh bị bắt, bố mẹ tôi ngất lên ngất xuống. Gia đình cũng chỉ kịp nhìn anh lần cuối khi chúng giải anh vào cổng nhà lao này. Từ Côn Đảo, anh vượt những cơn sóng dữ về đất liền. Không may, cuộc vượt ngục không thành công. Gia đình tôi không biết anh hy sinh lúc nào, chỉ biết rằng thân thể anh đã hòa vào những con sóng biển quê hương.

Hàng năm, gia đình đều cố gắng thu xếp để vào thắp cho anh nén nhang thương nhớ. Không biết ngày anh mất nên cứ vào dịp 26 – 3 hàng năm, đúng vào ngày kỉ niệm thành lập đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh gia đình lại tổ chức ngày giỗ cho anh".

Khai mạc triển lãm “Thép nơi lửa ngục".

Cần sự quan tâm hơn nữa từ nhiều phía

Kể lại những năm tháng bị đày đọa, ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban Liên lạc Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Trước khi vào “cửa ngục” này chúng tôi còn bị Sở Mật thám, quân cảnh, ngục Cửa Đông... bắt và tra tấn vô cùng dã man như đóng đinh găm vào đầu ngón tay, rút móng chân tay, rọi đèn cực sáng vào mắt, đi “tàu bay”, “ tàu thuỷ”, “ trườn cá lóc” (người tù chỉ được mặc quần đùi, ở trần, không được dùng tay chân mà phải trườn trên sân trại dưới ánh nắng mặt trời như đổ lửa, trên sân đầy sạn sỏi), chưa nói đến việc nhốt thùng cô nết, ban ngày nóng như rang, ban đêm lạnh thấu xương, rồi nào tra điện, nhảy xổm, thụt đầu...

Chưa hết, chúng còn dí điện, tra điện khắp thân thể cả bộ phận sinh dục nam cũng như nữ... Đây là cách tra tấn hãi hũng, độc ác nhất đối với con người. Vì thế tuy trên người không có vết thương thực thể như thương binh nhưng trên thân xác đang phải gánh chịu nhiều bệnh tật về thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa... sau khi ra tù, nhiều người đã không thể có con do di chứng để lại.

“Đến nay, Cựu tù Hỏa Lò tuổi đều đã cao, người trẻ nhất cũng đã 83, sức khỏe ngày càng suy kiệt; đến 50% hội viên đi lại khó khăn không ít người bị liệt nằm tại chỗ. Trung bình mỗi nằm trên mười đồng chí đã về cõi vĩnh hằng, có năm tới 20 người, trong đó rất nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của Nhà nước”, ông Hà chia sẻ.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội đọc diễn văn khai mạc.

Thực hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” và tình cảm “son sắt, thủy chung”, trong thời gian qua, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954) đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò vận động, thành lập: “Qũy tri ân các cựu tù chính trị” nhằm giúp đỡ các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa, mang tính nhân văn và bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của một số tổ chức và cá nhân để giúp những cựu tù vơi bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.

Để góp phần trọn nghĩa tri ân những người có công với cách mạng, theo lời của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng ban đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội: “Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã không ngừng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, luôn trân trọng, biết ơn sự hy sinh cao cả, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh... Để kịp thời động viên đối với người có công với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa hay người bị thất lạc hồ sơ, một số chính sách có liên quan nên sửa đổi cho hợp lý hợp tình hơn nữa. Đó là niềm mong mỏi của không ít những người đã có công với cách mạng ngày hôm nay”.

Có đến và tận mắt chứng kiến những màn tra tấn tù binh tại nhà tù Hỏa Lò mới thấu hiểu để thêm trân trọng, tự hào và ý thức sâu sắc hơn hai chữ độc lập – tự do để hiểu và nỗ lực hơn, cố gắng hơn sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả cả của thế hệ cha anh, những người đã đổ bao xương máu để cho đất nước nở hoa như ngày hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng mãi ánh lửa nơi tù ngục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO