“Sao Hoả” trên Trái Đất

Bùi Mai Loan (tổng hợp) 19/07/2015 14:14

Sa mạc Atacama ở miền Bắc Chile nổi tiếng là nơi sự sống gần như không thể tồn tại. Nơi đây được xác nhận là một trong những khu vực khô cằn nhất Trái Đất với nhiều phần lãnh thổ giống như sao Hỏa và suốt 50 năm không hề có một giọt nước mưa.

Hoa Ananuca có thể phát triển ở nơi khô cằn nhất thế giới

1. Atacama là một sa mạc nằm ở phía bắc Chile và một phần nhỏ ở phía nam Peru với diện tích rộng 181.300 km2 và cao 3.200m so với mực nước biển. Nó trải dài như một con đường hẹp giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes khoảng 1.000 km và có những địa hình hoàn toàn trái ngược nhau: Những ngọn đồi toàn đá, đá núi lửa và những cồn cát trải dài.
Atacama được Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận là sa mạc “khô cằn nhất thế giới”. Bằng chứng cho thấy từ năm 1570 đến 1971, nơi đây không có lượng mưa đáng kể nào.
Theo ghi nhận, sa mạc Atacama có lượng mưa trung bình ít hơn 50mm trong một năm. Tại một số khu vực nằm giữa sa mạc này, mưa cũng chưa từng bao giờ rơi. Sa mạc Atacama còn nổi tiếng với tám hồ nước nóng với nhiệt độ trung bình là 33 độ C. Tám hồ nước nóng này có màu nước đặc biệt xanh và mùi vị có lợi cho sự thư giãn. Cả tám hồ nước nóng này được khu resort Explora Atacama quản lý, quanh năm tám hồ này mở cửa đón du khách đến thăm.

Atacama là nơi khô cằn nhất trái đất

Atacama còn khô cằn đến nỗi, xương rồng vốn là loài cây thích nghi với điều kiện nóng bỏng ở sa mạc. Tuy nhiên, ở trên sa mạc này cây xương rồng cũng “đành chịu” không thể mọc lên được.
Không khí quá khô nên sự ôxi hóa không xảy ra ở những vật liệu bằng kim loại. Không có hơi nước, sự mục rữa không có thể xảy ra đối với bất cứ một thứ gì ở hoang mạc. Có nghĩa là nếu bạn mang một miếng thịt vào sa mạc, không cần bất kỳ một phương pháp bảo quản nào, các miếng thịt cũng có thể được giữ nguyên mãi mãi.
Dù sa mạc Atacama có những ngọn núi không hề thấp, chiều cao 6.885 m, nhưng những ngọn núi này không có băng tuyết. Ngoài ra, trong suốt thời kỳ băng hà, băng tuyết không hề tồn tại ở khu vực phía nam từ 25 độ nam cho tới 27 độ nam. Tại sa mạc Atacama, mùa hè vô cùng khắc nghiệt. Đặc biệt, người đến đây vào mùa hè có thể gặp nhiều hậu quả: Gãy vụn tóc và râu và nứt mẻ móng tay, móng chân.

2. Nhà thơ người Tây Ban Nha Alonso de Ercilla hồi năm 1959 từng viết: “Tới Atacama gần với bờ biển hoang vắng, bạn sẽ thấy một vùng đất không bóng người, không cánh chim, không con thú, không cả một nhành cây ngọn cỏ”. Trải qua thời gian, Atacama gắn liền với biệt danh “sao hoả trên Trái Đất”, thế nhưng Atacama không phải là nơi không có sự sống bởi sự sống dường như luôn tìm được cách thích hợp để đối phó với hoàn cảnh.

Nơi đây có một loài vi sinh vật được gọi là endolith tồn tại bằng cách náu mình vào lỗ chân lông các tảng đá, nơi chỉ có lượng nước vừa đủ cho chúng sinh tồn. Nhà vi sinh vật học từ Đại học Johns Hopkins- Jocelyne DiRuggiero cho biết: “Chúng có thể tồn tại ở Atacama. Mà tất cả các loài vi sinh vật đó đều cùng náu trong các tảng đá, khá là thú vị”. Ông Diruggiero giải thích, các loài vi sinh vật thực tế đã tồn tại từ gần bốn tỷ năm nay, một thời gian đủ dài để chúng có thể thích nghi được với một số những điều kiện sống khắc nghiệt nhất trong thế giới tự nhiên.
Ngoài vi sinh vật, một số loài thực vật cũng tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt này. Vào tháng 9 và tháng 10 hằng năm, một dải sương mù dày đặc hình thành từ Thái Bình Dương và đi dần vào đất liền, mang theo khá nhiều hơi ẩm. Nhờ vậy, khu vực Huasco, một tỉnh miền Nam Chile nằm trong sa mạc Atacama, những nụ hoa Ananuca (loài hoa tương tự như loa kèn) rụt rè nhú lên khỏi mặt đất khô cằn.

Chỉ sau vài ngày, chúng đã khoe sắc vàng rực rỡ, báo hiệu một mùa hoa đã trở lại trên vùng đất chết. Sương mù đi đến đâu, hoa nở đến đó. Cả một vùng sa mạc rộng lớn được phủ bằng những dải dài màu vàng rực rỡ.

Ngoài các loài động thực vật, sa mạc Atacama còn có một bộ tộc người cùng tên sinh sống từ xa xưa- bộ tộc người Anh-điêng Atacama. Một nhóm nhỏ khoảng 1 triệu người Atacama hiện vẫn ở những thành phố ven biển, những làng chài và những thành phố trên ốc đảo. Họ sử dụng nước ở các tầng ngầm do tuyết tan chảy từ dãy núi Andes để làm nông nghiệp.
Và mặc dù khí hậu khắc nghiệt, song nơi đây có một lượng khoảng sản vô cùng lớn. Loại muối Chile saltpeter là thứ rất dồi dào ở Atacama. Ngoài ra, người ta còn khai thác đồng, bạc, vàng và sắt để phục vụ cuộc sống.
Atacama còn là khu vực đặt đài quan sát thiên văn lớn nhất thế giới Very Large Telescope bởi lẽ đó là nơi có bầu trời trong nhất trên trái đất, giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát các vì sao. Ngoài ra, các nhà khoa học còn sử dụng đất đai tại hoang mạc Atacama cho việc thử nghiệm những robot sau này được dùng đến trên sao Hoả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Sao Hoả” trên Trái Đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO