Sao không xét đặc cách?

Ngọc Hà 01/07/2015 09:52

Theo kế hoạch tháng 9-2015, Bộ VHTT&DL sẽ công bố kết quả đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đợt 1-2015 của Hội đồng cấp Nhà nước. Câu chuyện phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân một lần nữa lại “nóng” lên, bởi sẽ không có việc truy tặng, đặc cách danh hiệu cho nghệ nhân trong quy định mới - lần đầu tiên được áp dụng.

Các liền chị quan họ làng Trung Đồng, Bắc Ninh

Sau nhiều năm loay hoay thống nhất tiêu chí xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân, Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã ra đời và chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2014. Đây là lần đầu tiên, việc phong tặng danh hiệu NNƯT do Nhà nước thực hiện và được áp dụng theo Luật Thi đua, Khen thưởng. Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được những vướng mắc trong việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân hàng chục năm qua.

Thế nhưng, quy định mới vẫn chưa đưa ra được những giải pháp có tính đột phá và linh hoạt nhằm tháo gỡ thực tế còn nhiều vướng mắc hiện nay. Đó là quy định nghệ nhân phải có giải thưởng, thành tích, trong khi thực tế, các nghệ nhân dân gian thường không có nhiều cơ hội tham gia biểu diễn trên sân khấu nên không có nhiều giải thưởng, huy chương để kê khai trong hồ sơ xét tặng. Bởi ca trù, hát văn, hát xoan, ví, giặm… diễn xướng chủ yếu trong không gian văn hóa cộng đồng, không phải biểu diễn trên sân khấu thì lấy đâu ra huy chương? Đáng chú ý là các nghệ nhân đều đã cao tuổi, thậm chí nhiều người đã qua đời. Do đó, “cần phải có sự linh hoạt trong việc xét tặng danh hiệu cho họ, đặc biệt là với nghệ nhân tuổi đã gần đất xa trời” - GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam đề xuất.

Trong khi, các địa phương dành hàng tỷ đồng mỗi năm cho các dự án bảo tồn văn hóa truyền thống nhằm được UNESCO công nhận. Đáng buồn, những nghệ nhân - chủ nhân đích thực của các di sản quý giá ấy lại bị thờ ơ. Thậm chí, có nghệ nhân cống hiến đến cuối đời, nhưng vẫn chưa được xét tặng danh hiệu xứng đáng… Sau sự ra đi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, GS. Tô Ngọc Thanh đặt câu hỏi: Không biết việc ban hành một chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân thì khó ở chỗ nào, vướng ở đâu mà khó khăn đến thế? Hiện nay, có nhiều nghệ nhân dân gian tuổi “gần đất xa trời”, nếu không được quan tâm xứng đáng, họ sẽ ra đi mà chưa một lần được biết đến sự đãi ngộ của Nhà nước. Thực tế, trong đợt lập hồ sơ xét tặng lần đầu này, trường hợp một nghệ nhân dân tộc Thái (sinh năm 1933, ở Lai Châu) đã mất trước khi hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở. Theo quy định hiện hành, nghệ nhân này cũng không được truy tặng danh hiệu NNƯT.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định còn nhiều điểm không khả thi. Nghị định quy định muốn trở thành “nghệ nhân nhân dân” cá nhân đó buộc phải đạt danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”. Thủ tục để thực hiện xét tặng danh hiệu đã rườm rà, mà buộc các cụ toàn ở độ tuổi 80-90 phải đạt được danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” thì làm thế nào để thực hiện được?... Những điều này rất vô lý, bởi rất cần có những trường hợp đặc cách. Các nghệ nhân không đợi thời gian thêm được nữa… Nếu không tìm được hướng giải quyết khả quan, thì việc phong tặng có thể sẽ nặng về hình thức mà hiệu quả sau đó không đi vào thực chất. Trong khi cả xã hội mong chờ việc truy tặng, đặc cách xét danh hiệu cho nghệ nhân, nhưng Nghị định số 62/2014/NĐ-CP vẫn không thể hiện được mong mỏi của đông đảo công chúng. Thật đáng tiếc!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao không xét đặc cách?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO