Sao lại đánh thuế vào người nghèo?

Hoài Vũ 18/12/2018 09:00

Tại mỗi quốc gia, thuế là nguồn thu chính của Nhà nước để phục vụ cho mọi hoạt động của Nhà nước từ đầu tư phát triển và trả lương cho cán bộ công chức, viên chức.Nguyên tắc đó không sai nhưng làm sao để chính sách thuế có thể phân phối lại của cải xã hội tạo ra sự bình đẳng thông qua chính sách thuế, cũng như không chuyển gánh nặng đánh thuế từ người giàu sang người nghèo là một bài toán vừa căn cơ, vừa vĩ mô.

Đã có những câu hỏi đang được đặt ra cần được trả lời: Tại sao đánh thuế vào người nghèo? Ngay sau khi dự thảo Luật Thuế tài sản được Bộ Tài chính công bố, trong đó có việc đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Hiện Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đánh thuế tài sản đối với nhà ở. Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Hai là nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.

Một quy định tưởng chừng như đơn giản là tăng thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh ngân sách đất nước đang ngày càng khó khăn, eo hẹp trong khi nhu cầu chi là khá lớn, trong đó có việc trả lương. Thế nhưng, nó lại đang “đánh ngay vào người nghèo”-một trong những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương khi đây là đối tượng tác động rất rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống thu nhập của người nghèo. Bởi lẽ, nếu quy định được áp dụng thì nhà ở có giá trị 700 triệu đồng trở lên phải chịu thuế đồng nghĩa với việc rất nhiều người nghèo phải đóng thuế, đặc biệt là người nghèo ở đô thị, hay những hộ “cận nghèo” có thể trở thành “hộ nghèo”.

PGS.TS Nguyễn Việt Cường, Viện Nghiên cứu phát triển Mêkong đã đưa ra một dự báo có tính “nhãn tiền” khi áp dụng thuế tài sản. Theo đó sẽ làm giảm thu nhập của các hộ gia đình qua đó làm giảm chi tiêu và nhiều hộ cận nghèo sẽ rơi vào nghèo do bị cắt giảm trong chi tiêu. Qua đó có thể tạo “cú sốc” với người dân khi bị giảm thu nhập và chi tiêu trong khi mục tiêu hướng tới là Nhà nước thu thuế nhưng không làm thay đổi phúc lợi của các hộ gia đình trong xã hội.

“Dự thảo Luật Thuế tài sản có 3 đối tượng bị chịu thuế gồm: Đất phi nông nghiệp, nhà ở, tàu bay, ô tô có giá từ 1,5 tỷ đồng và vùng khó khăn được giảm 50% tiền thuế phải nộp. Nhưng theo kết quả dự báo, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế và tăng tỷ lệ nghèo; trong đó thu nhập khả dụng giảm 0,9%, chi tiêu thực tế giảm 0,7%. Đặc biệt, các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn” - ông Cường đưa ra phân tích đồng thời cho rằng, ngưỡng chịu thuế nên áp dụng đối với nhà có giá trị trên 2 tỷ đồng bởi người có nhà có giá trị trên 2 tỷ là những người có thu nhập mức khá và bị tác động rất nhỏ so với mức đánh thuế. Còn người có nhà dưới 2 tỷ đồng thường là người có thu nhập thấp và sẽ gây tác động lớn tới các hộ gia đình.

Một “cú sốc” cho người nghèo được ông Cường nói đến đang đặt ra một “phạm vi điều chỉnh” đó chính là người nộp thuế là ai? Người sở hữu hay người sử dụng phải đóng thuế? Bởi hiện nay trên thế giới đang có sự phân biệt rạch ròi giữa người chủ sở hữu và người sử dụng. Do đó việc đánh thuế cần phải phân loại các loại tài sản đánh thuế và đối tượng được miễn trừ là người nghèo, người có thu nhập thấp, người khuyết tật, thương binh, người có công bởi trên thế giới xác định đây là những đối tượng không phải thu thuế.

Ở một bình diện nào đó, thu thuế đối với tài sản trong bối cảnh hiện nay là hợp lý nhưng cũng phải có mức ngưỡng chịu thuế hợp lý. Bởi thuế tài sản là thuế chủ yếu đánh vào tài sản có giá trị lớn, đánh vào những người có thu nhập cao nhằm bảo đảm công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, đóng góp xây dựng đất nước chứ không phải đánh vào những căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên mà đối tượng trực tiếp chính là “người nghèo”. Do đó theo ý kiến của nhiều chuyên gia, căn cứ mặt bằng chung giá cả ở thời điểm hiện nay nên áp dụng tài sản chịu thuế ở ngưỡng 2 tỷ đồng và có sự phân vùng để định mức giữa đô thị và nông thôn cho phù hợp.

Bởi suy cho cùng, đánh vào “tài sản lớn duy nhất” là căn nhà trên 700 triệu đồng mua từ nguồn đi vay, từ chính sách trợ cấp nhà ở xã hội thì mục đích thu thuế là không đạt, thậm chí lại tác động tiêu cực đến một bộ phận lớn người dân khi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế “nếu thuế tài sản nếu được ban hành như quy định của dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình”, hay như chính lời PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra mới đây tại một hội thảo khoa học về khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam: “Một sắc thuế thiếu bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao lại đánh thuế vào người nghèo?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO