Sao nỡ ‘gặt lúa non’?

Kiên Long 16/07/2021 12:00

Người lao động đi làm việc, được người chủ sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), hay người lao động tự do đóng BHXH tự nguyện đều những mong khi tuổi cao, về già có đồng tiền trang trải, sống ổn định, thanh thản những năm tháng cuối đời. Oái oăm thay, thời gian qua lại có nhiều người đề nghị được nhận BHXH một lần. Chuyện này chả khác gì như người nông dân “gặt lúa non”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân người lao động và an sinh xã hội nói chung.

Theo BHXH Việt Nam, số người nghỉ, hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm tăng trung bình khoảng 9%, 6 tháng đầu năm 2021 đã có đến 561.570 người hưởng BHXH 1 lần. Trong khi đó, tính đến hết tháng 5/2021, mới có khoảng 15,17 triệu người tham gia BHXH. Năm 2020, tăng thêm được 1 triệu người tham gia BHXH, nhưng lại có tới 880.000 người nhận BHXH 1 lần...

Quy định tại Khoản 1, Điều 60 và Khoản 1, Điều 77 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 93/2015/QH 13, người lao động được nhận BHXH 1 lần khi: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; Là lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đã đủ tuổi nghỉ hưu mà khi nghỉ việc chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư; Mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ y tế; Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu; Sau 1 năm nghỉ việc, hoặc sau 1 năm không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng mất việc diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, dẫn đến người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Rồi do ốm đau, bệnh tật, sự cố phát sinh. Tuy nhiên, ngoài những cá nhân nhận BHXH 1 lần chỉ vì gia đình quá khó khăn, cũng có không ít người nhận chỉ vì như theo phong trào, do thông tin không đầy đủ, cho rằng tới đây sửa đổi luật thì sẽ khó khăn hơn cho việc rút, lấy BHXH 1 lần; hay việc nhận BHXH 1 lần sẽ thiệt thòi hơn so với quy định hiện nay; hoặc người ta không đủ tự tin khi nghĩ đến việc đóng BHXH tự nguyện, có thể tiếp tục kiếm việc làm; hoặc nghe xúi bẩy của kẻ cò mồi, trục lợi...

Nhận hưởng BHXH 1 lần chỉ để giải quyết khó khăn trước mắt, người ta đã bỏ qua cơ hội được hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống khi về già. Không được cấp miễn phí thẻ BHYT; gia đình không được trợ cấp mai táng phí, trợ cấp tuất...sẽ phải chấp nhận phụ thuộc vào con cháu hay trông chờ vào sự cứu giúp của xã hội, bản thân là gánh nặng của xã hội.

Thực tế, mọi cá nhân cần phải hiểu, mọi chính sách khi ban hành mới đều sẽ phải hướng đến đảm bảo tốt hơn cho công dân, cho người lao động. Như tới đây có thể sẽ giảm điều kiện năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, từ 20 năm như hiện nay, xuống 15 năm, tiến tới 10 năm. Và rồi khoản tiền đóng BHXH thực tế như một khoản tiền quỹ, của để dành của cá nhân. Người ta có thể bảo lưu thời gian để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia với hình thức bắt buộc, hay tự nguyện. Khi gặp rủi ro vẫn được hưởng các chế độ theo quy định. Mỗi cá nhân cũng cần nghĩ đến trách nhiệm đóng góp của mình với xã hội, cộng đồng nói chung.

Cùng với nhận thức của cá nhân người đóng BHXH, sẽ rất cần sự động viên, quan tâm của người thân, gia đình để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, hướng về tương lai. Các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan BHXH cũng cần tích cực tuyên truyền hơn, giúp người lao động hiểu rõ vấn đề, đồng thời có các giải pháp, biện pháp hỗ trợ người lao động. Như gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các lao động, gia đình các lao động mất việc làm, khó khăn do dịch Covid-19 cần phải đến với bà con sớm, kịp thời để nhiều bà con không phải nhận BHXH 1 lần, tránh phải tình cảnh “gặt lúa non”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao nỡ ‘gặt lúa non’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO