Sao vẫn bạo hành con trẻ?

Vi Cầm 08/10/2019 08:00

Bạo lực học đường nhìn ở phạm vi rộng không còn là học trò đánh lộn lẫn nhau, mà trong môi trường giáo dục đó còn là ứng xử giữa thầy- trò, giữa phụ huynh và nhà trường. Nhiều học sinh cho hay, các em thích nghe thầy/cô gọi trò là các em hơn là gọi bằng các anh/chị. Học sinh càng không bao giờ muốn nghe giáo viên gọi trò là “mày” hoặc “chúng mày” xưng “tao”. Nhưng lối xưng hô ấy, thật ra là vẫn đang tồn tại ở không ít trường học.

Sao vẫn bạo hành con trẻ?

Ảnh minh họa.

Thầy cô bạo hành, xâm phạm thân thể học trò thật ra không phải câu chuyện quá mới. Có thống kê cho rằng từ năm 2011 đến nay, tình trạng ấy đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Nhưng mỗi lần nghe có chuyện đó xảy ra ở trường này, trường nọ hẳn các bậc phụ huynh đều cảm thấy thực đau lòng, xót xa. Bởi hôm nay chuyện đó có thể là của bạn A, bạn B, nhưng biết đâu đấy, ngày mai, ngày mốt rất có thể nỗi đau ấy lại là chuyện của con cái nhà mình.

Vì thế, nếu phụ huynh nào can đảm xem hết video clip về cô giáo ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú- TPHCM) ra tay với học trò của mình, thì thật không tin đó là việc làm, lời nói của một cô giáo. Có lẽ những đứa trẻ 7 tuổi, học lớp 2 sẽ không thể hiểu hết những lời mắng - thực ra là sự bạo hành tinh thần từ cô giáo: “…Ở đây có ai không có lỗ tai không biết nghe tiếng người không?... Tôi đã đem lên đây cho ngồi học đàng hoàng tử tế rồi. Vô lớp đừng đòi làm vua. 50 người đòi làm vua hết sao được, muốn làm vua thì về nhà làm. Tưởng mình là ai?...”

Mặc dù cô giáo nói trên đã nhận ra lỗi lầm, đã nhận trách nhiệm về cái sai của mình. Đồng thời cô cũng cũng đã bị đình chỉ giảng dạy… Nhưng rõ ràng yêu cầu về chấn chỉnh bạo lực học đường cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Trước đó, tháng 4/2019 Bộ GDĐT đã ban hành thông tư quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Trong đó, phần quy định với giáo viên cũng nêu rất cụ thể: Ứng xử với người học, ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; Mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; Tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; Không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; Không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Thông tư nói trên có hiệu lực từ ngày 28/5/2019. Như vậy có nghĩa những quy tắc ứng xử cơ bản và tối thiểu trong trường học cũng đã được quán triệt ngay từ đầu năm học mới 2019- 2020. Nhưng rõ ràng, việc đọc/học và làm theo quy tắc vẫn là khoảng cách không nhỏ.

Văn hóa ứng xử, nhìn từ góc độ học đường đã được các chuyên gia phân tích sâu từ nhiều phía. Nhịp sống đổi thay cũng đã khiến quan niệm về mối quan hệ thầy trò nay đã khác xưa. Sự dân chủ là cần thiết, nhưng đôi khi nếu thái quá trong môi trường học đường, sẽ dẫn đến hiệu ứng dư luận. Đơn cử, chỉ cần một hành động nhỏ thôi của thầy cô bị trò phản ứng, lập tức những thông tin ấy tràn lan mạng xã hội hoặc trên báo chí.

Lên tiếng về những lệch lạc trong ứng xử với học trò, có những ý kiến đóng góp nên bắt đầu chú trọng từ cách xưng hô giữa thầy cô giáo và học sinh; từ sự gương mẫu của người thầy; từ tình yêu thương, lòng bao dung để bỏ qua những lỗi lầm của học trò cá biệt. Có thầy giáo về hưu đã chia sẻ, khi còn dạy học, nếu những học trò cá biệt làm ông bận tâm, ức chế bao nhiêu, thì khi ông đã rời bục giảng- chính những trò cá biệt nhiều chục năm về trước lại là những người bạn tâm giao thân thiết nhất. Bởi chính lòng bao dung của ông giáo nhiều chục năm trước đã níu kéo trò hư trở thành những người có ích cho xã hội.

Nhiều diễn đàn về ứng xử học đường đã được tổ chức, nhưng xem ra để tiến tới ứng xử văn minh trong trường học không phải chuyện làm xong ngay. Một chuyên gia tâm lý học đã phân tích rằng: Lớp học bao nhiêu trẻ nhỏ là bấy nhiêu tính cách, bấy nhiêu nhận thức khác nhau. Ứng xử với mỗi tính cách và nhận thức ấy là cái tài của mỗi thày cô giáo. Điều này cần sự kiên trì, lòng yêu trẻ và sự độ lượng. Trẻ nhỏ khi được tôn trọng thì bản thân nó độ lượng lắm.

Còn khi bị mắng nhiếc là dốt nát lập tức chúng sẽ trở nên tự ti… Thành thử thầy cô mà dùng bạo lực với học sinh ở bất kể cấp học nào, cũng cho thấy sự thất bại trong giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sao vẫn bạo hành con trẻ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO