Sập bẫy đối tác dởm

Thanh Giang 01/03/2016 14:15

Doanh nghiệp (DN) Việt nỗ lực mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng. Song “chân ướt, chân ráo” với thị trường mới,  nhiều DN bị “sập bẫy” từ các đối tác dởm vì những nguyên nhân không đâu.

Sập bẫy đối tác dởm

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu đang phải hứng chịu nhiều rủi ro.

Rủi ro lớn

Ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Hưng (An Giang) cho hay, từ một DN chỉ hoạt động thuần túy là đánh bóng gạo, giờ công ty chủ động xuất khẩu gạo đi thị trường châu Phi. Đây là thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá nhiều về chất lượng. Hiện nay, trung bình một năm công ty xuất sang thị trường này khoảng 9 – 10 triệu tấn gạo, trong đó Ghana 600.000 triệu tấn, Bờ biển Ngà 900.000 triệu tấn… Mặc dù, đánh giá là thị trường tiềm năng, nhưng ông Phạm Hoàng Lâm cũng cảnh báo, rủi ro ở thị trường châu Phi rất lớn. Đơn cử, mất hàng hóa xuất khẩu, giao dịch không đảm bảo… Ông Phạm Hoàng Lâm thông tin, bản thân DN của ông từng “ăn đòn” ở thị trường này. Ông Lâm cho biết, năm 2013 công ty xuất khẩu gạo sang thị trường Ghana với khối lượng khá lớn. Tuy nhiên khi hàng về đến cảng Ghana thì bị mất cắp thông qua bộ vận đơn giả, cấp phí lệnh giao hàng (D/O) làm thủ tục hải quan thông quan chiếm đoạt 80 container gạo của Công ty Hưng Lâm. “Chúng tôi cương quyết đấu tranh thì Tòa án Thượng viện Ghana giải quyết trả lại cho công ty 69 container gạo với điều kiện phía công ty phải bỏ ra 800.000 USD trả phí lưu container lưu bãi cảng, đóng các loại thuế quan mà theo hợp đồng khoản này bên mua phải chịu. Sự cố trên gây thiệt hại khá lớn cho công ty về tài chính và thời gian”, đại diện công ty Hưng Lâm phân trần. Đại diện DN này cho biết thêm, xác định lỗi mất hàng thuộc về hãng tàu Hanjin thông đồng với người mua sử dụng bộ vận đơn giả thông quan hàng hóa DN quyết định kiện hãng tàu để đòi bồi thường 1,3 triệu USD nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết xong.

Nhiều DN xuất khẩu khác cũng gặp phải vướng mắc và thiệt hại tương tự trong hoạt động xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập (TP. HCM) cho biết, công ty bà thường xuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Hoa Kỳ. Nhưng DN thường xuyên gặp phải rắc rối ở thị trường này. Hàng xuất sang Hoa Kỳ, cập cảng nhưng vẫn phải cho hàng lưu kho chờ kiểm định chất lượng. Bởi vì kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa mà công ty thực hiện tại Việt Nam hoàn toàn không có giá trị gì khi vào thị trường này. Đau đầu hơn, rất nhiều DN bị trả hàng về nhưng không rõ lý do tại sao để rút kinh nghiệm cho những lô hàng kế tiếp. Cuối cùng, điệp khúc hàng xuất đi rồi trở về lại bến cũ mãi tái diễn mà phía DN không hiểu rõ nguyên nhân. Tình trạng mất an toàn giao dịch hàng hóa với các nước đang khiến DN xuất khẩu đau đầu.

Kiểm tra đầy đủ thông tin

Đại diện các DN cho rằng, hiện nay có một số thị trường tiềm năng giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu. Thế nhưng có những hình thức dễ dàng đưa DN vào “bẫy” lừa đảo của các đối tượng khác. Thực tế cho thấy, hiện nay đa phần các DN xuất khẩu áp dụng hình thức giao hàng trả chậm, thanh toán thông qua hình thức giao dịch ngân hàng. Tuy nhiên, đến ngày nhận tiền thì tiền không vào tài khoản (sec dởm). Tình trạng này không ít, gây thiệt hại khá lớn cho DN xuất khẩu Việt Nam. Với kinh nghiệm “xương máu” trong hoạt động mở rộng và tìm kiếm thị trường, một số DN lưu ý, các DN khác không nên vội vàng xuất hàng khi không đủ thông tin. Đặc biệt, cần giao dịch bằng phương thức thanh toán hợp lý, chặt chẽ tránh những thiệt hại không đáng có. Ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gentraco (Cần Thơ) mong muốn có thông tin kỹ lưỡng về thị trường, đối thủ, đối tác ở các thị trường nhằm hạn chế tình trạng mù mịt thông tin và có nguy cơ sập bẫy các đối tác dởm.

Trước nguy cơ lừa đảo đối tác tại thị trường các nước, đại diện Tham tám thương mại Việt Nam ở châu Phi thừa nhận có tình trạng DN ở nước sở tại thông đồng với các hãng tàu “rút ruột” hàng hóa của DN xuất khẩu. Cơ quan hữu quan đã nỗ lực phối hợp với các bên tìm ra hướng giải quyết tốt nhất ngăn chặn dứt điểm tình trạng này. Trăn trở với DN xuất khẩu trước những thương vụ không như ý muốn, ông Phạm Trung Nghĩa - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai khẳng định, có tình trạng DN xuất khẩu hàng hóa bị lừa đảo tại thị trường nước ngoài. Đơn cử, chỉ trong năm 2015 Thương vụ Việt Nam tại Dubai đã hỗ trợ 8 DN Việt đòi lại 4 triệu USD tưởng là đã mất trắng. Liên quan đến thiệt hại khi hàng bị trả về, ông Hoàng Tuấn Việt – Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho hay, năm 2015 có DN phải mất trắng hàng nghìn USD khi bị trả về 20 container gạo xuất khẩu vì không đảm bảo chất lượng giữa các thùng hàng. Có DN bất cẩn trong khẩu kiểm tra container, khi hàng nhập cảng container thủng, gạo ẩm mốc rút cuộc hàng lại phải quay về nơi bắt đầu. Đại diện tham tán Việt Nam tại các nước yêu cầu, DN cần thực hiện tốt các quy định chất lượng mà thị trường các nước đặt ra nhằm những rủi ro và thiệt hại không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sập bẫy đối tác dởm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO