Sáp nhập và tính hiệu quả

Hoài Vũ 25/07/2019 07:30

Việc hợp nhất 3 văn phòng: HĐND, UBND, đoàn ĐBQH theo Nghị quyết 18 của Trung ương dù mới thí điểm ở 12 tỉnh, thành trong thời gian ngắn nhưng đến nay đã cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh cần xem xét thấu đáo.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đối với vấn đề hợp nhất 3 Văn phòng: HĐND, UBND, đoàn ĐBQH, Chính phủ đề nghị chưa quy định trong Dự thảo do đây là vấn đề đang tiến hành thí điểm, chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo chủ trương của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, điều đáng nói, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra lại cho rằng, hiện đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng và đề nghị quy định dự thảo luật theo hướng khái quát để dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 Văn phòng sau thí điểm. Điều đó cũng cho thấy chưa có sự thống nhất quan điểm của cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

Thực tế thì mới bắt đầu thí điểm từ đầu năm 2019, nhưng qua thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ở 12 địa phương hiện đã cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh. Đơn cử như Văn phòng vừa trình vấn đề của UBND, lại vừa trình báo cáo thẩm tra của HĐND được ví như “1 tay cầm 2 cái còi” vậy liệu có khả thi và đảm bảo tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp việc cũng như giám sát? “Có ý kiến nói văn phòng giống như “cái cổ phải phục vụ 2 cái đầu” thì không biết ngoái kiểu nào?”- là vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra. Từ quan điểm này, ông Hiển đã đề xuất thiết kế 2 phương án. Theo đó, một là chỉ sáp nhập Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH ở địa phương, còn Văn phòng UBND vẫn đứng riêng. Hai là sáp nhập cả 3 Văn phòng theo nghị quyết của Trung ương trước đây.

Còn ở góc độ là một ĐBQH của đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh (1 trong 12 nơi thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho rằng: “Các Văn phòng này tuy là cơ quan phục vụ nhưng cũng có nhiệm vụ tham mưu trong khi tham mưu việc triển khai khác tham mưu giám sát. Không biết lãnh đạo HĐND, đoàn ĐBQH và UBND sẽ chỉ đạo Văn phòng theo cơ chế nào khi 3 Văn phòng hợp nhất thành 1?”.

Ngay sau khi có quan điểm về 2 đề xuất nói trên, là 1 trong 12 nơi thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng, khi nói với ĐĐK, ông Nguyễn Bá Sơn- Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng nêu lên một thực tế là một ĐBQH nhưng khi ông đi công tác riêng chuyện đề xuất cấp xăng và lấy được xe ra khỏi cơ quan để đi công tác phải mất 16 chữ ký, và đó chỉ là một sự bất hợp lý thấy rõ chứ chưa nói đến các vấn đề khác. Theo ông Sơn, trước đây Luật Tổ chức HĐND và UBND sau này sửa thành Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì vẫn có 2 thiết chế độc lập với nhau là HĐND và UBND trong mối liên hệ. Một bên là cơ quan hành chính có nhiệm vụ tổ chức triển khai nhiệm vụ do HĐND phê duyệt và tổ chức thực hiện triển khai pháp luật ở địa bàn hành chính của mình. “Bản thân nó đã là 2 thiết chế nằm riêng với nhau để thực hiện nhiệm vụ giám sát lẫn nhau. Còn các đoàn ĐBQH là một thiết chế trực thuộc Quốc hội và độc lập với thiết chế của HĐND ở địa phương. 2 cơ quan được điều chỉnh hoạt động ở 2 luật khác nhau nhưng thực hiện theo yêu cầu của Trung ương thì nếu nhập Văn phòng HĐND và đoàn ĐBQH đều là cơ quan dân cử, đều đi giám sát nên nhập vào làm 1 cũng là điều hợp lý”- ông Sơn nói và cho rằng, việc hợp nhất để tinh giản biên chế cũng phải cân đối, xem xét xem có đảm bảo theo yêu cầu Nghị quyết của Đảng đề ra là phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp) hay không?

Sự lo lắng của các ĐBQH trong quá trình hợp nhất 3 Văn phòng cũng là vấn đề cần phải được xem xét thận trọng trong tình hình hiện nay. Bởi một vấn đề tưởng chừng như đơn giản là “sáp nhập” nhưng lại đang khó khăn trong quá trình thực hiện, do đó vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhưng phải tránh việc “bó chân” các cơ quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cũng xin được nói thêm rằng, ngay chính bản thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng tỏ ra băn khoăn khi việc sáp nhập còn đang thí điểm, chưa có tổng kết nên Chính phủ chưa muốn quy định cứng vào luật, còn bản thân ông cũng muốn để 2 văn phòng gồm: 1 văn phòng của HĐND và đoàn ĐBQH; và 1 văn phòng của UBND.

Mọi đề xuất cần được lắng nghe trên cơ sở thực tiễn cuộc sống. Vì thế, nên chăng điều cần thiết vào lúc này là các cơ quan cần lắng nghe ý kiến của 12 địa phương thí điểm. Bởi đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân vì tinh giản, cơ cấu cốt lõi cũng phải hướng đến hợp lý cả về mặt tổ chức lẫn nhân sự lẫn tính hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập và tính hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO