Sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 19: Thiếu sự phối hợp, khó tạo đột phá

Hương Nguyên 25/09/2015 09:10

Sáng 24/9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án Quản trị nhà nước nhằm Tăng cường toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội nghị đánh giá 6 tháng triển khai Nghị quyết 19 (NQ 19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dù đã đạt được một số kết quả bước đầu trong cải thiện môi trường đầu tư nhưng theo CIEM, kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Chính sách không đồng bộ, hiệu quả thấp

Bà Nguyễn Minh Thảo - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, 6 tháng triển khai NQ 19, ngành Thuế là ngành có nhiều nỗ lực hơn cả. Theo đó, trong cải cách hành chính thuế, tính đến 23/9, đã có 98% doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 Ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Cho đến nay đã có 84 DN đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% DN nộp thuế điện tử. Mặc dù những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong kê khai và nộp thuế điện tử được DN ứng dụng triển khai và đánh giá cao, tuy nhiên, thời gian thực tế không giảm được như tính toán theo những thay đổi của Bộ Tài chính. DN mới chỉ ghi nhận giảm khoảng 20% thời gian, tương đương khoảng 110 giờ.

Theo bà Thảo, nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa được mong muốn là bởi tính toán của Bộ Tài chính dựa trên sửa đổi văn bản chính sách, nhưng có những chính sách thay đổi không đồng bộ. Thêm vào đó, tâm lý DN chưa thật sự tin vào những cải cách này, do vậy, thủ tục đã được cắt bỏ nhưng DN vẫn thực hiện…

Đối với CCHC về Bảo hiểm xã hội (BHXH), NQ 19 yêu cầu giảm thời gian nộp BHXH từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như cắt giảm 50 tiêu thức trên các biểu mẫu, tờ khai; bãi bỏ 16 thành phần hồ sơ trong các thủ tục; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 43 thủ tục… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu.

Tương tự, đối với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), NQ 19 yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa XK 13 ngày và NK 14 ngày đến hết năm 2015; XK dưới 10 ngày và NK dưới 12 ngày đến hết năm 2016. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cho đến nay vẫn chưa đạt được.

Lắng nghe, sửa đổi chính sách kịp thời

NQ 19 ra đời trong sự kỳ vọng của cộng đồng DN khi mà Chính phủ đã chấp nhận luật chơi tham gia vào các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng: Hiệu quả của cải cách đem lại không nhiều bởi 2 trọng tâm cần tháo gỡ cho DN là thủ tục về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành về xuất nhập khẩu đều không đạt. Trong khi thực thi các Luật Đầu tư, Luật DN yêu cầu bức thiết là phải bãi bỏ hơn 3.000 thủ tục hành chính, thì các Bộ không những chưa có giải pháp bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp mà còn đang rà soát, cho ra đời những quy định rất tréo nghoe tại các thông tư mới. Thủ tục rườm rà đến mức DN kêu rát họng vẫn không thấu, khiến DN nản không kêu nữa!

Thừa nhận lộ trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo NQ 19 phải còn bước đi dài và mới chỉ cải cách được một phần trong chính sách, thể chế, còn thực hiện thì kết quả chưa nhiều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, cá nhân ông luôn lắng nghe góp ý cụ thể từ các DN đối với các thủ tục thuế. DN kiến nghị sửa, ngành thuế đã lắng nghe, tiếp thu và đã sửa. Nhưng sửa chính sách rồi mà vẫn kêu mà không nói rõ DN tắc ở chỗ nào bộ, ngành rất khó gỡ. Ông Tuấn khẳng định, để đồng hành cùng DN trong công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ngành Thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nắm được các chính sách mới. Sẽ đối thoại tham góp ý kiến của DN để sửa đổi chính sách kịp thời. Ngành Thuế sẽ ban hành các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của DN với cơ quan thuế trong thời gian sắp tới.

Kiến nghị từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Đề nghị các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý, kỹ thuật công nghệ; điện tử hóa thủ tục hành chính, kỹ thuật công nghệ; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kỹ thuật công nghệ để giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bộ Công thương sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyte đối với các sản phẩm dệt may để tháo gỡ khó khăn cho DN theo hướng áp dụng quản lý rủi ro, giảm chi phí và thời gian cho DN.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và những vướng mắc trong quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Các Bộ như Bộ LĐTB&XH, Y tế, BHXH Việt Nam rà soát, đánh giá mức đóng bảo hiểm bắt buộc (32,5%) và thực tế đóng BHXH của các DN để có giải pháp hợp lý trước khi quy định mới về việc đóng bảo hiểm bắt buộc trên tiền lương thực trả có hiệu lực. Đề nghị ngành Tòa án sớm ban hành hướng dẫn việc thực thi Luật Phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 19: Thiếu sự phối hợp, khó tạo đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO