Sau di dời, đất nhà máy sẽ làm gì?

Nguyên Khánh 13/09/2019 08:00

Sau vụ nhà kho của Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông cháy, hai vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, đó là việc hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường sẽ được xử lý như thế nào và “đất vàng” nhà máy sau di dời sẽ được dùng vào việc gì?

Vấn đề đầu tiên là tẩy độc tại Công ty Rạng Đông đã có câu trả lời rất rõ ràng. 8h sáng qua 12/9, gần 10 xe chuyên dụng của Binh chủng Hóa học và khoảng 70 người đã có mặt tại Công ty Rạng Đông, bắt đầu tẩy độc nhà kho sau vụ cháy cách đây nửa tháng. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Bộ Tư lệnh Hóa học, Viện Hóa học môi trường quân sự và Công ty Urenco 10 đã thống nhất được phương án tẩy độc trong và ngoài khu vực cháy, đồng thời thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải độc. Dự kiến, sau khi phương án cụ thể được phê duyệt vào ngày 13/9 sẽ mất khoảng 10 ngày để vận chuyển thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải độc này. Như vậy, nỗi lo nhiễm độc thủy ngân của người dân sống xung quanh khu vực này đã dần được giải tỏa.

Vấn đề thứ 2 hậu vụ cháy cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại cuộc họp chỉ đạo về vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, hai Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ. Đồng thời có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư”. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cần có biện pháp trước mắt giúp Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông phục hồi sản xuất. Về lâu dài tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời Công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.

Liệu các cơ sở gây ô nhiễm trong nội đô có thể nhanh chóng được di dời như điều chúng ta mong muốn? Tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp này mà nguyên nhân chính là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Điển hình như khu vực Cao Xà Lá đến bây giờ vẫn chưa di dời được hết. Cũng vì thế, tồn tại một thực tế là nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân.

“Để đẩy nhanh được công tác di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, ngoài trách nhiệm của Hà Nội rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành T.Ư. Cần tạo điều kiện trong việc bố trí ngân sách, có những chính sách ưu đãi về vốn vay để các doanh nghiệp sớm hoàn thành xây dựng cơ sở mới. Có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị theo quy hoạch mới tại cơ sở cũ” - ông Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Tuy nhiên, điều mà dư luận cũng đặc biệt quan tâm chính là những mảnh “đất vàng” của các cơ sở sản xuất sau di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Liệu có trở thành các cao ốc giống Nhà máy cơ khí Hà Nội giờ được xây dựng thành Khu đô thị Royal City, Nhà máy xe đạp Thống Nhất thành Dự án Thống Nhất Complex, Xí nghiệp xe bus 10/10 trở thành Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân (820 căn hộ và 87 căn liền kề)... khiến giao thông đô thị tắc nghẽn nghiêm trọng?

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, vấn đề này Hà Nội đã có quy hoạch phân khu chi tiết cho từng vùng, có cả dự án kết hợp với nước ngoài rồi mình chỉ cần xác định đảm bảo theo quy hoạch. Cụ thể, trong quy hoạch của khu đất sau di dời có các công trình công cộng, các khu dịch vụ thương mại, có một phần là nhà ở, có không gian xanh gắn kết với một sân vận động thể thao cho cả khu Cao-Xà-Lá chứ không riêng phần đất của Công ty Rạng Đông. Mấu chốt của vấn đề là đã có quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên công bố rộng rãi và cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư vì đây là quy hoạch mới. Sau khi được sự đồng thuận cao của người dân mới tuyên truyền rộng rãi để người dân thực hiện, giám sát. Đặc biệt, nếu điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện lấy ý kiến của dân, được dân đồng thuận và phải có tư vấn phản biện, giám định xã hội sau đó mới được triển khai, chứ không thể điều chỉnh mà không hỏi dân, để người có quyền lực tự quyết là sai. Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, không thể để tái diễn tình trạng có khu đất tới 9 lần điều chỉnh và cao ốc lại mọc lên gây những hệ lụy lớn khó giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau di dời, đất nhà máy sẽ làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO