Sau khi nước Anh khởi động Brexit: Những vấn đề sống còn

Khánh Duy 02/04/2017 08:00

Tiến trình cuộc ly hôn đau đớn giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) – Brexit, đã chính thức khởi động từ hôm thứ Tư trong tuần sau khi Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Công việc tiếp theo đối với họ sẽ là cả một chặng đường khó khăn với một danh sách dài những việc phải làm.

Người dân Anh đứng trước hàng loạt những thay đổi lớn trong tiến trình Brexit.

Một trong những bước đi tiếp theo sau khi Brexit chính thức khởi động chính là việc chính phủ của Thủ tướng May phải đưa ra Dự luật Bãi bỏ Quy mô lớn. Dự luật này được thiết kế để đặt dấu chấm hết cho quyền lực pháp lý của EU đối với Liên hiệp Vương quốc Anh (UK). Nhưng ban đầu nó sẽ chuyển đổi tất cả các điều luật của EU thành luật phù hợp với nước Anh để đảm bảo sự ổn định.

Quốc hội Anh sau đó sẽ bắt đầu nhiệm vụ quyết định xem nên giữ và nên bỏ những điều luật nào của EU, đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn sau hơn 4 thập kỷ các điều luật của EU đã ăn sâu vào hệ thống pháp luật của nước Anh.

Hiện có khoảng 20.000 các bộ luật của EU đang có hiệu lực ở Anh, quy định về gần như mọi thứ ở nước này, từ quy định về khối lượng năng lượng sạch mà nước này nên sử dụng cho tới độ cong tiêu chuẩn của một quả chuối bán trong siêu thị…Vậy chính phủ Anh sẽ phải bắt đầu từ đâu trong danh sách công việc đầy thử thách này?

Hệ thống nhập cư mới

Trước hết, vấn đề nhập cư chính là một trong những vấn đề chủ chốt đã khiến nước Anh quyết định rời khỏi EU, bởi vậy nó là vấn đề đầu tiên cần được sửa đổi. Sau khi Anh rời khỏi liên minh này, một hệ thống mới cho phép công dân nước này tới thăm, làm việc, nghiên cứu và sinh sống ở EU- và ngược lại, cần phải được thiết lập ngay.

Anh hiện đang là một phần của Thị trường Đơn châu Âu, trong đó cho phép hàng hóa, các dịch vụ và người dân được tự do di chuyển qua các nước thành viên. Công dân EU có quyền được di chuyển tới và tìm kiếm việc làm ở các nước khác cũng thuộc khối EU. Hiện có khoảng 1,2 triệu người Anh đã sinh sống ở các nước thành viên EU, và khoảng 3,2 triệu công dân EU đang sinh sống ở Anh; theo dữ liệu chính phủ Anh.

Tuy nhiên, Thủ tướng May đã nói rất rõ ràng, Anh sẽ sớm rời khỏi thị trường đơn Eu, bởi vậy mà di chuyển tự do sẽ sớm chấm dứt sau Brexit. Thay vào đó, bà đưa ra một hệ thống dựa trên nhiều điểm xem xét giống như Australia đang áp dụng để thay thế, trong đó nhằm thu hút người nhập cư có những kỹ năng nhất định để bù lấp lỗ hổng trong nền kinh tế.

Vấn đề người tị nạn và di cư

Anh từ trước đến nay áp dụng phần lớn các quy định của EU đối với vấn đề nhập cư của họ, quan trọng nhất trong số này chính là Hiệp định Dublin III, mà theo đó các nước thành viên EU có thể chuyển nhượng người xin tị nạn trở lại quốc gia EU an toàn đầu tiên mà họ đặt chân tới. Do những người xin tị nạn thường tới Anh sau khi di chuyển qua các nước như Italy, Hy Lạp, nên Anh chuyển nhượng số lượng người tị nạn tới các nước EU khác nhiều hơn là nhận vào.

Tuy nhiên, hiệp định này sẽ không còn được áp dụng sau Brexit, vậy nên các nước EU sẽ không tiếp nhận người tị nạn mà Anh mong muốn gửi trả về nữa. Nếu Anh muốn lưu giữ Hiệp định Dublin, chính phủ của họ cần đàm phán để đạt thỏa thuận song phương với từng quốc gia thành viên riêng biệt của EU.

Thỏa thuận thương mại mới với EU

Một trong những vấn đề cam go nhất trong các cuộc đàm phán về Brexit sắp diễn ra giữa Anh và EU chính là về mối quan hệ thương mại giữa hai bên. Đạt được một thỏa thuận thương mại mới chính là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng nhất của cuộc đàm phán về Brexit.

Anh dự định rời khỏi thị trường đơn EU và có thể sẽ rời luôn cả Liên hiệp Hải quan của khối liên minh này, vốn là hai cơ quan giúp hàng hóa Anh không bị đánh thuế khi xuất khẩu sang các nước EU. Nếu không có thỏa thuận thương mại nào đạt được, Anh sẽ phải làm ăn với EU theo các quy định mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra, điều có thể khiến họ chịu nhiều hàng rào thuế quan và quy định mới.

Nhưng cánh cửa hậu Brexit cũng đang mở ra triển vọng mới cho Anh bởi họ có thể đàm phán về thỏa thuận thương mại mới với hàng loạt quốc gia nằm ngoài khối EU như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia và Canada. Khi còn là một thành viên của EU – tức việc đàm phán thỏa thuận thương mại cũng phải được thực hiện với tư cách toàn khối – thì việc đàm phán thương mại riêng rẽ là không thể đối với Anh.

Công dân Anh ở nước ngoài

Ở thời điểm hiện tại, công dân Anh vẫn có thể di chuyển tới một quốc gia EU, chỉ cần trình hộ chiếu là được phép đi lại tự do trong khối này. Nhưng một khi Anh rời khỏi EU, sự tiện lợi này sẽ lập tức chấm dứt.

Chính phủ Anh sẽ phải đàm phán một thỏa thuận mới để công dân của họ có thể được hưởng sự ưu đãi này một lần nữa, tức di chuyển trong khối EU mà không cần thị thực. Tuy nhiên Ủy ban châu Âu có thể có ý tưởng khác, và hiện tại là đề xuất về một hệ thống miễn thị thực (Visa Waiver) giống như Mỹ đang áp dụng, nhằm thắt chặt quản lý đối với tất cả công dân các nước ngoài EU khi đi vào khối này.

Hệ thống này một khi được áp dụng sẽ cho phép nộp đơn trực tuyến để xin thị thực trước và yêu cầu người nộp phải trả một khoản phí nhỏ để được đi vào EU.

Thêm vào đó, công dân Anh cũng sẽ chịu thêm bất lợi khi phải trả chi phí sử dụng tiện tích di động và tải dữ liệu nhiều hơn khi di chuyển trong khối EU. Đáng lẽ ra EU dự kiến sẽ xóa bỏ hoàn toàn chi phí sử dụng di động và dữ liệu trong tháng 6 năm nay, nhưng khi Anh rời khỏi khối này, công dân của họ sẽ chịu mức chi phí cao hơn.

Thủ tướng Anh Theresa đặt bút ký bức thư thông báo về việc rời khỏi EU để gửi tới Brussels.(Nguồn: NY Times)

Chương trình sức khỏe EU

Thông qua chương trình sức khỏe EU, được khởi động năm 2014, các nước trong khối phối hợp chặt chẽ trong việc chống lại các hành động gây tổn hại sức khỏe, như hút thuốc, lạm dụng rượu bia…bằng cách chia sẻ thông tin và ngăn chặn. Các dự án này ở Anh nhận được tới 80% nguồn vốn từ EU. Khi Anh rời khỏi EU, số phận của chương trình này có thể sẽ chấm dứt trừ khi họ phải đàm phán với EU.

Bên cạnh đó, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) hiện đóng vai trò xác nhận và chống lại các mối đe dọa tới sức khỏe con người đến từ các loại bệnh dịch như cúm, HIV và nhiều bệnh dịch khác, giúp cho các tổ chức thuộc EU dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau. Một khi Anh rời khỏi EU, họ sẽ bị loại trừ khỏi ECDC và sẽ cần phải đàm phán một thỏa thuận mới để duy trì tư cách thành viên của mình.

Các quy định về môi trường

Anh là một phần trong Hệ thống Mua bán Phát thải EU (ETS), một trong những cột mốc trong chính sách đối phó biến đổi khí hậu của EU và là thị trường mua bán phát thải đầu tiên cũng như lớn nhất thế giới. Theo ETS, một mức hạn định về số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được quy định, và mức này sẽ giảm dần theo thời gian.

Hệ thống này hiện đang trong giai đoạn 3, tức một mức hạn chế khí thải được áp dụng cho toàn khối thay cho mức hạn chế cấp quốc gia của từng nước. Nếu Anh rời khỏi ETS, mức hạn chế của EU sẽ cần phải được điều chỉnh, kéo theo nó là các bộ luật mới nhằm giữ cho mức khí thải ở nước Anh ở mức thấp.

Cho đến mãi những năm 1970 thì Anh vẫn có thể xả nước thải chưa xử lý trực tiếp ra biển. Tất cả thay đổi sau khi Hướng dẫn về nguồn nước tắm của EU ra đời năm 1975, trong đó đặt ra các tiêu chuẩn nước tắm sạch trên các bãi biển của nước Anh. Trong năm 2015, 99,4% chất lượng nước tắm trên các bãi biển của Anh đạt chuẩn EU. Tuy nhiên sau khi rời khỏi khối này, họ sẽ phải thiết lập các quy định mới để giữ sạch khoảng 11.000 dặm đường bờ biển của mình.

Tương lai của nền bóng đá

Các quy định về việc chuyển nhượng cầu thủ trong thể thao dường như sẽ thay đổi mạnh mẽ khi Anh rời khỏi EU, và ảnh hưởng trực tiếp tới một trong số những giải đấu bóng đá được theo dõi nhiều nhất trên hành tinh.

Điều này có nghĩa rằng một khi Brexit được hoàn tất, các cầu thủ bóng đá mong muốn được tới Anh để tham gia giải Ngoại hạng Anh- hoặc tới tham gia các giải đấu ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, sẽ phải chịu hàng loạt các quy định khắt khe kiểm soát việc chuyển nhượng cầu thủ từ bên ngoài EU.

Liên đoàn Bóng đá Anh trong năm 2015 đã thắt chặt các quy định đối với các cầu thủ đến từ ngoài khối EU tham gia các đội bóng của họ trong nỗ lực nhằm trao nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ trong nước. Bởi vậy, các cầu thủ bóng đá tới từ ngoài khu vực EU cần phải có một tần suất xuất hiện nhất định trên các sân đấu quốc tế ở một quốc gia thuộc danh sách top 50 trong vòng 2 năm mới có thể tới Anh thi đấu sau Brexit.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau khi nước Anh khởi động Brexit: Những vấn đề sống còn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO