Sẽ có luật điều chỉnh nhiều luật

Thúy Hằng (Thực hiện) 20/08/2017 09:38

Thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đang giảm mạnh đã tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Không những thế, thu ngân sách nhà nước cũng bị tác động mạnh. Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết sẽ có những hướng thay đổi về chính sách thuế để hỗ trợ nền công nghiệp ôtô, mở rộng cơ sở thu thuế…đảm bảo hội nhập.

Ông Phạm Đình Thi.

PV: Thưa ông, mức giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN dự báo đến năm 2018 về 0%. Vậy thì đến năm 2018, thuế đánh vào linh kiện nhập khẩu sản xuất trong nước, Bộ Tài chính tính toán thế nào và đưa ra giải pháp gì?

Ông Phạm Đình Thi: Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay đã hoàn thành ký kết 11 hiệp định thương mại FTA, hiện nhiều FTA đã và đang trong quá trình thực hiện. Đến năm 2018, lộ trình thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ trở xuống về 0%.

Cùng với việc thực hiện các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại tự do cũng thực hiện cắt giảm nhiều dòng thuế. Thu ngân sách từ ngoài vào sẽ giảm. Giảm trên phương diện thu thuế nhập khẩu giảm, thu thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên thuế nhập khẩu giảm, rồi thu thuế giá trị gia tăng trên thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm.Như vậy có thể thấy rằng, các loại thế đều giảm.

Trong khi đó Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời đưa ra một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.

Thuế nhập khẩu ôtô giảm thì khai thác tốt nguồn thu nội địa đặc biệt nguồn thu còn thất thu, ví dụ hộ kinh doanh còn đang thất thu , hay các lĩnh vực mới phát sinh như thương mại điện tử còn thất thu. Rồi nợ đọng xây dựng cơ bản cũng quá lớn.

Năm 2018 thuế nhập khẩu ôtô là 0% vậy thì thực hiện vào linh kiện tính toán thế nào? Nội dung này sẽ được sửa ở biểu thuế xuất nhập khẩu. Dự kiến trong tháng 9 này sẽ báo cáo Chính phủ, luật thuế xuất nhập khẩu là khung, Chính phủ sẽ quy định mức thuế suất cụ thể với thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Và trong nội dung này đang xin ý kiến với linh kiện phụ tùng ôtô nếu đáp ứng tiêu chí về sản lượng, tỉ lệ nội địa hoá, thì thuế thực hiện đề xuất 0%.

Ông từng khẳng định, hệ thống chính sách thuế ban hành thời gian qua đã cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu khi ban hành, tuy nhiên cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung xuất phát. 5 luật thuế cần thiết sửa đổi là Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Giá trị gia tăng (GTGT) và Tài nguyên. Vậy đâu là lý do chính để định hướng có Luật sửa nhiều luật?

-Có một số do. Thứ nhất, là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Thứ 2, thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế. Thứ 3, để khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua cho thấy quy định tại các luật thuế cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Vậy nếu khi luật sửa nhiều luật có hiệu lực thì ngân sách sẽ tăng hay giảm thưa ông?

-Cái gì miễn giảm thì giảm thu…Nhưng trong trung và dài hạn tăng lên, nội dung chính vẫn là nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích các ngành hàng, doanh nghiệp phát triển.

Theo định hướng sửa đổi với Luật Thuế TNDN, có đề xuất tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

-Dự án Luật đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN với DN nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV mới ban hành. Cụ thể, DN siêu nhỏ (doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%. DNNVV (số lao động bình quân không quá 200 người, tổng doanh thu từ 3 – 50 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 17%.

3 nội dung sửa đổi khác cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là: Quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ; tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; về bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đối với cá nhân, Luật Thuế TNCN cũng được đề xuất sửa đổi 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân gồm: Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; Quy định miễn thuế TNCN với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện tại các nghị định, quyết định để đảm bảo tính hệ thống, thống nhất; bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Thưa ông trong thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến nội dung Bộ Tài chính “hiến kế’ giảm đầu cơ nhà đất bằng cách tính đến phương án sẽ đánh thuế người sở hữu bất động sản thứ hai. Ông có thể nói kỹ hơn?

-Vừa qua nhiều người gọi điện thoại đến cho tôi hỏi về nội dung này. Nhưng tôi nói thật với vị trí người làm chính sách thuế, tôi chưa biết nội dung này, hiện nay chỉ giao cho nghiên cứu chứ chưa đánh thuế nhà thứ 2. Trong định hướng chiến lược cải cách thuế 2020 có thuế tài sản, và tài sản là cái gì còn nghiên cứu. Tài sản không chỉ đánh nhà riêng, mà còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta khai thác tốt thu nội địa, và có thể thu thuế tốt từ tài sản, tài nguyên môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ có luật điều chỉnh nhiều luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO