Sẽ xây dựng một bản quy hoạch tích hợp duy nhất cho vùng ĐBSCL

Quốc Trung 14/07/2017 18:01

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tại hội thảo “Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu- cơ hội và thách thức” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 14/7 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Nhiều quy hoạch, thiếu gắn kết

Theo ông Vũ Quang Các: Ở quy mô cấp vùng, thay vì có hàng chục bản quy hoạch cùng tồn tại ở ĐBSCL, sắp tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì xây dựng một bản quy hoạch tích hợp duy nhất cho khu vực này.

Hiện vùng ĐBSCL đang tồn tại đến 10 bản quy hoạch do Chính phủ phê duyệt, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐBSCL; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng trọng điểm của vùng ĐBSCL đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng như: thủy lợi, chế biến cá tra, nuôi tôm, sản xuất lúa, du lịch, cấp thoát nước, hệ thống giao thông vận tải rồi cả quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL cũng đang được điều chỉnh.

Trong khi đó ở cấp độ địa phương, đến nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã xây dựng và phê duyệt được gần 2.500 bản quy hoạch, trong đó, có 773 bản quy hoạch nông thôn mới và hơn 490 bản quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Theo ông Vũ Quang Các, do số lượng các bản quy hoạch quá lớn đã dẫn đến nhiều tồn tại, yếu kém như không gắn kết, thiếu đồng bộ, thậm chí có những vấn đề còn sai lệch.

Cụ thể, quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đưa ra dự báo dân số lớn hơn so với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến hơn 1 triệu dân.

Trong khi đó phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới, vẫn làm theo phương pháp cũ, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội nặng về xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu, mà quên đi việc tổ chức không gian phát triển. Còn quy hoạch xây dựng vùng, thì nặng về tổ chức không gian, mà không chú ý đến việc định hướng phát triển.

Ngoài ra lãnh đạo Bộ KH&ĐT còn chỉ ra những hạn chế như: việc tổ chức lập phê duyệt; tổ chức thực hiện hiện quy hoạch còn buông lỏng; nhiều vấn đề bản quy hoạch đề ra, nhưng thiếu cơ chế tổ chức thực hiện.

Đây là những yếu kém của hệ thống quy hoạch hiện nay dẫn đến các chương trình, dự án triển khai ở các giai đoạn trước đối với vùng là triển khai cũng mang tính riêng lẻ...

Quy hoạch tích hợp của Bộ KH&ĐT liệu có khả thi?

Bộ KH&ĐT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng một bản quy hoạch (giai đoạn 2021-2030) cho vùng ĐBSCL với mục tiêu tạo ra khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL; làm cơ sở cho triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ về mặt hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sản xuất cũng như việc khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong điều kiện biến đổi khía hậu. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Theo Bộ KH&ĐT, nội dung quy hoạch vùng lần này sẽ tập trung xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển cho vùng mang tính đa ngành; giải quyết quy hoạch vùng là giải quyết mang tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng và trong bản quy hoạch chỉ đề xuất những dự án có tác động đến các vấn đề chung của vùng.

Ông Vũ Quang Các chỉ ra những mặt tối ưu của bản quy hoạch mới, thay vì những bản quy hoạch trước đây đưa ra nhiều chỉ số, nhiều mục tiêu, thì bản quy hoạch lần này chú trọng tổ chức không gian phát triển.

Cũng theo ông Vũ Quang Các, sắp tới vùng ĐBSCL chỉ còn một bản quy hoạch, nhưng sẽ giải quyết các vấn đề giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ; các vấn đề về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; các vấn đề phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại… trong vùng đều được phản ánh trong bản quy hoạch này.

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: Ngoài tư duy quy hoạch thời kỳ bao cấp vẫn kéo dài đến hiện nay, thì tính cát cứ, quyền lực của các bộ vẫn rất mạnh tạo ra thách thức trong quy hoạch tích hợp.

Bộ nào cũng muốn nắm giữ quyết định quyền quy hoạch của mình, chính vì vậy, quy hoạch tích hợp sẽ rất khó. Bởi không ai chịu “nhả” quyền lực ra cả và điều này thể hiện rất rõ khi Quốc hội xem xét Luật quy hoạch.

Ông Đặng Hùng Võ còn đưa ra thách thức: Cơ sở dữ liệu để làm quy hoạch, thì gần như chưa có. Đặc biệt, công nghệ để áp dụng đắc lực cho quy hoạch phải nói đến là công nghệ hệ thống thông tin địa lý, thì hiện của Việt Nam còn rất yếu.

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, quy hoạch tích hợp phải thể hiện được bốn tiêu chí sau: Tính trùng khớp giữa cá loại quy hoạch; Hệ thống phân vùng phải thống nhất; Quy hoạch khái quát và tiếp theo là quy hoạch chi tiết hơn và cuối cùng là quy hoạch định hướng phát triển cho từng vùng trong hệ thống phân vùng phải thống nhất giữa các loại quy hoạch khác nhau hay nói cách khác các vùng đó chồng lên nhau ở các loại quy hoạch khác nhau, thì cũng không xảy ra xung đột…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ xây dựng một bản quy hoạch tích hợp duy nhất cho vùng ĐBSCL

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO