Siết chặt quản lý mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH

T.Minh 22/07/2017 08:05

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, có tới 20 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; 17 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và 15 địa phương giảm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) so năm 2016.

Cụ thể tính đến hết tháng 6/2017, cả nước đã có 78,029 triệu người tham gia BHXH, BHYT, tăng 2 triệu người (2,6%) so với cùng kỳ năm 2016, một số địa phương đạt tỷ lệ phát triển đối tượng cao so với kế hoạch giao: Lai Châu đối tượng tham gia BHXH đạt 100,3%, Ninh Bình 102,3%; nhiều địa phương số người tham gia BHYT vượt chỉ tiêu cao: Quảng Ninh 105,5%, Bắc Giang 105,4%, Bến Tre 105,6%, Long An 103,7%.

Tuy nhiên, có 20 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc so với năm 2016 (Trà Vinh: 2.480 người (3,3%), Quảng Bình: 1.786 người (2,7%), Đắk Nông: 757 người (2,4%), Gia Lai: 1.869 người (2,3%), Bắc Giang: 4.076 người (2,0%), Thừa Thiên - Huế: 1.516 người (1,4%), Tây Ninh: 2.514 người (1,3%), Bắc Kạn: 270 người (1,2%)…; 17 địa phương giảm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2016 (Đồng Nai: 833 người (26,5%), Hải Dương: 1.198 người (14,2%), Trà Vinh: 274 người (21,0%), Tây Ninh: 243 người (12,1%) ...; 15 địa phương giảm đối tượng tham gia BHYT so với năm 2016, trong đó có một số địa phương giảm nhiều đối tượng như Đắk Nông giảm 7,6%, Quảng Nam giảm 5%, Cà Mau giảm 2,9%, Phú Yên giảm 2,9%, Sóc Trăng giảm 2,5%.

Theo Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Trí Đại, nguyên nhân chính của việc giảm đối tượng tham gia này là do cơ quan BHXH một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo cán bộ thu thường xuyên bám sát, đôn đốc đơn vị đăng ký tham gia cho người lao động, nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đúng quy định.

Và một yếu tố quan trọng nữa là nhiều địa phương chưa xây dựng các giải pháp cụ thể để phát triển đối tượng, thu nợ phù hợp từng nhóm đối tượng và từng loại hình đơn vị. Đại lý thu hoạt động chưa hiệu quả, chưa thường xuyên trực tiếp đến tuyên truyền, vận động người dân mà chủ yếu là do người dân đến đại lý đăng ký tham gia.

Trước thực trạng trên xác định công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng lưới an sinh xã hội, giúp cho nhiều người dân được bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, rủi ro, toàn hệ thống BHXH chủ động phối hợp các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT.

Đẩy mạnh phối hợp với cơ quan Thuế nâng cao hiệu quả quản lý của mỗi ngành, như quản lý chặt chẽ, chính xác hơn đối tượng nộp thuế, nộp BHXH; hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và BHXH; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lạm dụng, gian lận như trích tiền BHXH để tính thuế nhưng không nộp BHXH, BHYT.

“BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương phải tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; cung cấp thông tin, hồ sơ cho cơ quan liên đoàn lao động khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT.

Phấn đấu đến ngày 31/12/2017, mỗi địa phương phải thực hiện thanh tra đột xuất ít nhất 30 đơn vị”- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt quản lý mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO