Siết chi tiêu công để kiểm soát nợ công

Việt Thắng 23/10/2016 09:05

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Kéo nợ công xuống dưới 65% GDP

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, kinh tế thế giới đang gặp khó khăn; trong khi đó biến đổi khí hậu, hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hay sự cố môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động đến GDP của nước ta. Trong 9 tháng qua tăng trưởng mức 5,93%, thấp hơn so với năm ngoái nhưng cao so với bình quân năm của 5 năm, cho nên tăng trưởng trong năm nay mục tiêu đề ra từ 6,3- 6,5% là chấp nhận được. Lạm phát 9 tháng đầu năm kiểm sóat ở mức 3% còn dự báo cuối năm chỉ 4-5%. Đó là dấu hiệu tích cực.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ưu tiên của Chính phủ là tái cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công. “Tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này, nhấn mạnh triệt để tiết kiệm là quốc sách. Quan điểm là chi tiêu phải nằm trong khả năng của nền kinh tế, vay phải trong khả năng trả nợ. Phấn đấu tăng thu để tăng chi, còn nếu thu mà không đạt thì phải giảm chi tương ứng. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính”- Phó Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh, hiện nay trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP. Trong năm 2016, 2017 có thể trần nợ công bị vượt lên một chút, lý do là tăng trưởng kinh tế thấp xuống một chút. Nhưng dứt khoát phải kéo nợ công xuống dưới 65% GDP.

Đầu tư trọng tâm, không dàn trải

Vẫn theo ông Trần Hoàng Ngân, liên quan đến công nợ, phải ưu tiên cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém không để lỗ kéo dài. Về định hướng tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới, ông Ngân cho rằng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước không cần nắm giữ những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được.

Để đạt các mục tiêu ngân sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thu chi tốt, triệt để tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, giảm biên chế và sắp xếp lại bộ máy. Còn theo ĐBQH Lê Quân (Hà Nội), việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước tiến độ còn chậm. Thời gian tới cần tiếp tục thoái vốn đầu tư công khu vực nhà nước, vì như thế sẽ giúp cho các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội phát triển. Một vấn đề nữa là phải tinh giản bộ máy. Ông Quân cũng cho rằng, phải siết chi tiêu công để kiểm soát nợ công. Năm 2017, Chính phủ đề ra 11 nhóm lĩnh vực ưu tiên, cần có trọng tâm để tránh dàn trải, trong đó nên ưu tiên cho đầu tư khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm nông nghiệp là đẩy mạnh xuất khẩu.

Tập trung cho nông nghiệp, du lịch

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, cần nâng cao tính liên kết vùng để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chúng ta không tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì khó có thể đứng vững trong thời điểm hội nhập sâu. Đó là yếu tố phát triển bền vững. Liên kết vùng với vùng để nâng cao quy mô đầu tư, quy mô của doanh nghiệp và hợp tác xã, sản lượng càng lớn thì chi phí giá thành càng thấp, đầu tư khoa học công nghệ để có các sản phẩm cạnh tranh với quốc tế. Cho nên Chính phủ cần gắn kết 3-5 tỉnh trong khu vực cùng với tư lệnh ngành để đầu tư công đi theo hướng này, tránh dàn trải.

Theo ông Cự, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách để khơi dậy nội lực, vốn, tài nguyên. Làm sao để huy động nội lực cho sản xuất, chỉ có sản xuất mới giảm nghèo, nâng cao đời sống và an sinh xã hội được, cho nên cần đầu tư cơ chế chính sách tạo động lực trong nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Còn ĐB Võ Thị Ánh Xuân- Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng, cần đưa ra mục tiêu cụ thể để dễ thực hiện, xác định rõ lĩnh vực nào, ngành nào cần phải ưu tiên. Trong đó nông nghiệp rất cần được quan tâm.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, chúng ta nên chọn một số ngành để tập trung, như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2017. Để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn thì cần đặt du lịch ở vị trí tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri anh em trong ngành rất buồn. Chủ trương thì yêu cầu phải đạt tăng trưởng như kinh tế mũi nhọn, nhưng du lịch nay nhập vào mai tách ra, không ổn định về tổ chức. Chúng ta nên xác định du lịch là then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế, điều hành bằng quy luật kinh tế, tạo ra cơ chế chính sách, bộ máy, con người để có thể đáp ứng được”-ông Hưng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chi tiêu công để kiểm soát nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO