Siết kinh doanh và sử dụng 'bóng cười'

Đức Trân 17/05/2019 08:00

Bộ Công an mới đây cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc đề xuất đưa “bóng cười” vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh.

Siết kinh doanh và sử dụng 'bóng cười'

Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều.

Thuộc nhóm chất gây nghiện

Hiện nay, “bóng cười” đã và đang được rất nhiều bạn trẻ ưa thích và sử dụng. Phần lớn các bạn trẻ đều cho rằng “bóng cười” chỉ là một trò tiêu khiển và hoàn toàn không gây hại. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều “bóng cười” không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn để lại nhiều hệ luỵ khó lường.

Theo Bộ Công an, “bóng cười” thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hoá học là N2O (Dinito oxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng, rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12.

Được biết, N2O không nằm trong Danh mục các chất ma tuý và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ mà là hoá chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương, cụ thể: N2O thuộc danh mục hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/7/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hoá chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho hay, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự như heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng “bóng cười” cho vui và cho rằng “bóng cười” là vô hại vì khi hết cười thì cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường và không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây ra nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa bệnh đường hô hấp thì sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới bị ngạt và suy hô hấp. Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí có thể gây tử vong. Với những người đang lái xe có dùng “bóng cười” sẽ rất nguy hiểm.
Quản lý chặt chẽ hơn khí N2O

Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo các quy định tại Nghị định số 115/2016, Nghị định số 163/2013 của Chính phủ. Đơn cử tại Điều 10 Nghị định số 163/2013 quy định hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định phạt tiền từ 12-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực; Phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội được phép thực hiện nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ.

Trước những hệ lụy do “bóng cười” và ma túy gây ra thời gian qua, Bộ Công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Trong đó, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và các sự kiện, lễ hội. Phối hợp Bộ Công thương, Bộ Y tế, Quản lý thị trường, Hải quan… đánh giá tình hình nhu cầu thực tế sử dụng khí N2O trong nước để có biện pháp siết chặt trong nhập khẩu và bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh khí N2O trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các mặt hàng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngăn chặn thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít “bóng cười” trong thời gian dài. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân, tay, đi lại không vững. Nhiều bệnh nhân bị tổn thương tuỷ sống, mất tuỷ, tổn thương hệ thần kinh do lạm dụng bóng cười.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết kinh doanh và sử dụng 'bóng cười'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO