Sinh viên thất nghiệp, đừng đổ lỗi cho xã hội

Lê Anh 05/12/2015 11:14

GS John Vũ cho rằng, để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp và đổ lỗi cho xã hội thì người trẻ phải ý thức được rằng họ cần chủ động trong việc tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi rời cổng trường đại học và bước vào xã hội. 

GS John Vũ (bên phải).

“Khi tôi du hành qua nhiều nơi từ châu Á đến châu Âu, điều tôi nghe mọi người nói tới nhiều nhất chính là “việc làm, việc làm, việc làm” – chủ đề tuyệt đối chi phối mọi vấn đề xã hội ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam”. GS người Mỹ gốc Việt - John Vũ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học tại trường ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) từng có thời gian khá dài ở Việt Nam đã dành nhiều trăn trở, quan tâm về đổi mới giáo dục, hướng đi của các bạn trẻ và sự phát triển của Việt Nam cho biết.

GS John Vũ có nhiều đóng góp về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp (DN) và lĩnh vực giáo dục- đào tạo hiện đại. Có thời gian ông là Kỹ sư trưởng, sau đó nhận vai trò là Phó Chủ tịch của Tập đoàn hàng không Boeing và được mời đến giảng dạy tại nhiều trường Đại học tại Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Khi đưa ra các lời khuyên dành cho sinh viên được GS John Vũ viết trên trang blog của mình (science – technology.vn), dịch giả Nguyễn Trung Việt đã nghĩ ngay đến những vấn đề mà sinh viên Việt Nam đang gặp phải khi rời ghế giảng đường đại học. Nhìn nhận về các yếu điểm của sinh viên hiện nay, GS John Vũ cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu thì vấn đề việc làm đang trở thành mối quan tâm của mọi người trẻ, nhất là sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.

Ông đánh giá, mức độ cạnh tranh này càng lúc càng gay gắt và đặt ra vấn đề sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và chuẩn bị những hành trang cần thiết vì nghề nghiệp và cuộc sống tương lai của chính mình. Tuy nhiên, người trẻ không thể phụ thuộc vào trường học, không thể phụ thuộc vào xã hội, càng không không chờ đợi và kỳ vọng vào người khác mà chỉ có thể dựa vào chính bản thân.

“Nhiều người vẫn tranh cãi về ai là người có lỗi trong chuyện tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng và ai phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này. DN đổ lỗi cho trường học, trường đại học đổ lỗi cho cho Chính phủ. Nhưng dù là ai có lỗi hay ai phải chịu trách nhiệm, nạn nhân vẫn cứ là sinh viên”, GS John Vũ nhấn mạnh khi bàn về chủ đề bằng cấp và kỹ năng.

Chuyên gia về giáo dục của ĐH Carnegie Mellon cho rằng, để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp và đổ lỗi cho xã hội thì người trẻ phải ý thức được rằng họ cần chủ động trong việc tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi rời cổng trường đại học và bước vào xã hội.

GS John Vũ dẫn một điều tra công nghiệp toàn cầu năm 2012 cho biết, nhiều người tốt nghiệp đại học không có đủ hành trang cũng như chưa sẵn sáng để gia nhập thị trường lao động như họ tưởng. Cuộc điều tra cho thấy chỉ có 55% người tốt nghiệp may mắn được chuẩn bị các kỹ năng phù hợp để bắt đầu công việc, nhưng có đến 42% không được chuẩn bị, cũng như không có bất cứ sự hỗ trợ nào.

Cũng theo cuộc điều tra này, GS John Vũ đúc kết: Phần lớn các công ty đều mong đợi sinh viên có tri thức rộng về thị trường (xếp hạng 1), xu hướng công nghệ (hạng 2), xu hướng DN (hạng 3). Tuy nhiên, đối với cả 3 tiêu chí này thì sinh viên thường không có ý thức chủ động để tìm hiểu những gì đang xảy ra bên ngoài cánh cổng trường đại học hoặc bên ngoài địa phương mà họ sinh sống.

Có thời gian tham gia giảng dạy tại một số trường đại học ở châu Á, GS John Vũ cho biết, đa số sinh viên không có ý thức về việc làm và nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường. “Tôi có hỏi một số em: Nếu em tốt nghiệp lĩnh vực kỹ thuật nhưng chỉ tìm được việc làm trong ngành quảng cáo thì em có nhận làm công việc đó không? Một sinh viên trả lời: “Dạ, may có được việc làm là tốt rồi vì em không thể kén chọn khi có hàng triệu người tốt nghiệp đang bị thất nghiệp”.

GS John Vũ cho rằng, suy nghĩ của nhiều sinh viên phản ánh việc sinh viên chọn lĩnh vực học tập dựa nhiều trên điều bố mẹ họ mong muốn thay vì tự mình quyết định cho bản thân. Điều này đã trở thành truyền thống ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. GS của ĐH Carnegie Mellon khuyên rằng, sinh viên cần thiết phải cân bằng giữa đam mê và thực tế. Muốn vậy, phải tự đặt câu hỏi, rằng điểm yếu và điểm mạnh của họ là gì, tương lai mà họ muốn hướng đến và làm sao để có được điều bản thân mong muốn.

Khi nói về tình trạng gian lận trong trường học, GS John Vũ chia sẻ: Khi dạy học ở châu Á, ông thường xuyên nghe các giáo sư phàn nàn về việc sinh viên ngày nay không biết xấu hổ và thường xuyên gian lận, thậm chí các giáo sư gọi là “căn bệnh phổ biến có khả năng lây lan nhanh chóng”.

Tuy nhiên, thay vì phàn nàn về chuyện sinh viên gian lận, GS John Vũ đặt câu hỏi: Bằng cách nào chúng ta có thể giúp sinh viên thôi không gian lận? Bởi vì lý do khiến sinh viên gian lận là vì họ muốn vượt qua kỳ thi. Và GS John Vũ rút ra rằng: Nếu chúng ta không làm khó sinh viên bằng các kỳ thi thì việc gian lận sẽ ngừng lại. “Tôi yêu cầu họ trung thực với bản thân vì đây là một phần của quá trình giúp sinh viên trưởng thành, trở thành người có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và với xã hội, quốc gia của họ”- GS John Vũ đưa ra lời khuyên cho sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên thất nghiệp, đừng đổ lỗi cho xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO