Số ca mắc ung thư phổi tăng

Giang Hương 02/12/2018 09:00

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo ung thư Việt-Pháp lần thứ 2, với chuyên đề ung thư phổi, vừa diễn ra tại Bệnh viện K trung ương.

Số ca mắc ung thư phổi tăng

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.

Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia thì ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới. Vì vậy, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là hết sức quan trọng.

Về nguyên nhân gây bệnh, cùng với ô nhiễm môi trường, thuốc lá chính là một trong những nguy cơ gây ung thư. Trong khói thuốc chứa hàng nghìn loại hóa chất, trong đó có gần 70 chất gây ung thư, đáng kể nhất là ung thư phổi và ung thư vòm họng… Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, ra môi trường xung quanh. Luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người hít phải khói thuốc lá thụ động hay trong gia đình có người hút thuốc.

GS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội), cảnh báo thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, đặc biệt là những người hút thuốc nhiều và trong một thời gian dài. Thống kê từ Bệnh viện K trung ương cũng từng chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.

Ngoài ra, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiăng, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Cùng với đó, một điều mà người ta chưa bao giờ nghĩ đến rằng,khói dầu nhà bếp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi bởi một số thành phần có trong dầu thực vật khi chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư. Cần hạn chế tối đa khói dầu cả trong bếp gia đình. Còn trong khẩu phần ăn hàng ngày hãy chú ý ăn những thực phẩm có chứa vitamin A, D, đồng thời ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Bên cạnh đó cần chú ý luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày để cơ thể có sức đề kháng tốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm 2018 cả nước ghi nhận 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hiện có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Các bác sĩ khẳng định: Bệnh ung thư phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư tại các nước phát triển trên 80%, nhờ chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Nếu người bệnh Việt Nam cũng phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ ngang với các nước phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số ca mắc ung thư phổi tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO