Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh: Không chỉ vì Covid-19

Minh Phương 29/12/2020 07:00

Hơn 100 ngàn doanh nghiệp (DN) buộc phải tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể trong năm 2020, con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã làm “sức khỏe” của DN cạn kiệt đến mức nào. Tuy nhiên, không chỉ nguyên nhân do Covid, rào cản về thủ tục hành chính vẫn đang khiến cộng đồng DN “khó thở”.

Số doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh trong năm 2020.

Hơn 100 ngàn DN ngừng kinh doanh

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trong đó, 46,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Về nguyên nhân của con số sụt giảm này, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, chủ yếu do dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Ở trong nước, theo bà Hương, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam...

Con số 101,7 ngàn DN phải tạm ngưng hoạt động trong năm 2020 là một minh chứng rõ rệt nhất của tổn thất này. Tuy nhiên, không chỉ bị tác động bởi Covid, nhiều DN cho biết, thủ tục hành chính rườm rà vẫn là một tác nhân “bóp nghẹt” DN.

Nhìn vào bản báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố tuần trước, thì những băn khoăn của DN về câu chuyện thủ tục hành chính hoàn toàn có căn cứ. Mặc dù thời gian qua, nhà quản lý đã đẩy mạnh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để tạo môi trường hoạt động đầu tư kinh doanh cho DN thông thoáng hơn, song theo VCCI, qua các cuộc điều tra, khảo sát đối với các doanh nghiệp lại cho thấy, hiện nay các vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thì thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn, đặc biệt là đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Vẫn còn rào cản thủ tục hành chính

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan kéo dài hơn so với quy định. Cùng với đó, việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin thực hiện các thủ tục còn chưa tiếp cận đến tất cả các doanh nghiệp, 25% doanh nghiệp cho rằng, vẫn thiếu tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính.

Công tác thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho DN khi mà có tới 38,2% DN (trong số 1.200 DN được điều tra, khảo sát - PV) chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan nhà nước; tỷ lệ DN dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn DN có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát.

“Các nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch đô thị vẫn đang là những trở ngại lớn đối với DN”, ông Tuấn cho hay. Cùng với đó, những chồng lấn xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền đã và đang gây ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí cho DN. Tất cả những rắc rối, rườm rà xung quanh việc thực hiện các thủ tục hành chính đang khiến DN phải gia tăng chi phí ngoài luồng.

Câu chuyện về thủ tục hành chính rườm rà gây khó cho DN vẫn luôn là vấn đề bức xúc lâu nay trong môi trường kinh doanh. Và đó cũng chính là một trong những tác nhân khiến cho số DN phải ngừng hoạt động trong năm 2020 tăng cao bên cạnh đại dịch Covid-19.

Đến thời điểm này, rõ ràng mục tiêu 1 triệu DN đạt được vào năm 2020 đã tuột khỏi tầm tay. Song, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để giúp DN hồi phục trong thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các loại giấy tờ không cần thiết bằng cách “số hóa” để giảm bớt các chi phí, thời gian cho cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh: Không chỉ vì Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO