Số hóa di sản: Bảo tồn di sản bằng công nghệ

Minh Quân 27/07/2017 08:35

Việt Nam có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và gần 8.000 lễ hội nhưng do nhiều lý do khác nhau các giá trị văn hóa truyền thống này đang có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này các nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp số hóa, mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản.

Số hóa di sản đang đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức.

Cách tiếp cận hiện đại

Mới đây, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN đã chính thức triển khai chương trình nghiên cứu và ứng dụng dài hạn mang tên “Ứng dụng số hóa để bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật”. Theo đó, dự án “Số hóa Nhà hát lớn Hà Nội” đã chính thức đi vào hoạt động và sắp tới là dự án “Số hóa di sản kiến trúc đại học Pháp tại Việt Nam”.

Cũng theo dự án đối tượng số hóa của chương trình rất đa dạng bao gồm tất cả các di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam cả vật thể và phi vật thể. Trong đó, chương trình sẽ ưu tiên dành cho những di sản đang có nguy cơ mai một cao nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép. Tiếp đó là những di sản có giá trị lịch sử, du lịch nhằm mục tiêu quảng bá, giáo dục và thương mại.

Chương trình tận dụng những ưu thế của công nghệ thông tin như: chi phí thấp; tính trực quan và độ tin cậy cao; tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều; dễ dàng cập nhật và nâng cao chất lượng; cho phép tiếp cận không giới hạn về thời gian, địa điểm thông qua Internet; cho phép đa ngôn ngữ… để đưa các di sản này đến với cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước, kết hợp quảng bá đất nước và con người Việt Nam, đồng thời tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững các di sản của mình.

TS Nguyễn Hồng Quang - đại diện nhóm tác giả thực hiện cho biết: “Việc số hóa các di sản có nhiều ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng công việc của chúng tôi sẽ đóng góp vào sự kết hợp giữa công nghệ với văn hóa, kiến thức với công trình, với di sản. Khó khăn ở chỗ là mình đưa ra ý tưởng và thuyết phục được người quản lý di sản kết hợp và tìm ra được một nguồn tài trợ”.

Chậm còn hơn không

Nếu trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ thì với Việt Nam hiện nay “chậm vẫn còn hơn không”. Thực tế, từ những năm trước đó việc số hóa di sản đã được nhiều đơn vị manh nha thực hiện. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, để có được sự thành công Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ từ nước ngoài cả về vấn đề kinh phí vẫn công nghệ.

Đơn cử, cách đây gần chục năm, trong khi kho sắc phong cả nước đang đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp thì Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa công tác lưu trữ sắc phong, đồng thời mở dịch vụ khôi phục, làm lại sắc phong. Mặc dù một quyết định khá táo bạo thế nhưng kéo theo đó vô vàn khó khăn mà đơn vị này gặp phải. Hay hai dự án “Phục dựng phố cổ Hà Nội bằng kỹ thuật 3D” và “Tái hiện Di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng công nghệ 3D” của nhóm 3D Hà Nội từng được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái. Nhưng đó mới chỉ là dự án của cá nhân, chưa có sự đồng bộ và được đầu tư, nghiên cứu cụ thể.

Trước vấn đề này ThS Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa) nhìn nhận, một rào cản thường gặp nữa là vấn đề về bản quyền, đôi khi việc tôn trọng bản quyền tác giả lại là một trở ngại trong việc số hóa di sản. Bởi khi đã được số hóa, các di sản văn hóa sẽ được sử dụng rộng rãi với nhiều mục đích khác nhau. Như vậy, bản quyền trí tuệ thuộc về các nghệ nhân, nhóm cộng đồng liệu có bị vi phạm? Việc thỏa thuận sử dụng bản quyền có cần được thực hiện và thực hiện với ai? Đối với những người làm công tác sưu tầm, tư liệu và số hóa di sản văn hóa những câu hỏi này thường xuyên được đặt ra…

Không những vậy, các chuyên gia cũng cho rằng một hạn chế nữa liên quan đến việc giảm tính chính xác trong quá trình số hóa là việc áp dụng với di sản văn hóa phi vật thể. Không chỉ riêng Việt Nam, mà ở các nước tiên tiến, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đều gặp những khó khăn về phương pháp và kỹ thuật. Đơn cử việc số hóa không gian lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ thể áp dụng với phim, ảnh số, ghi âm.... Nhưng rất khó có thể sử dụng các phương tiện này số hóa kỹ năng chỉnh Chiêng của những nghệ nhân.

Và với những cơ hội và cả thách thức thì số hóa di sản văn hóa nói chung vẫn chưa được đánh giá hết. Quá trình này còn cần được định hướng nghiên cứu lâu dài và cần có những chương trình đào tạo đặc biệt hơn cho những người tham gia, đồng thời, các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có những biện pháp quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy quá trình số hóa di sản văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa di sản: Bảo tồn di sản bằng công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO