Số hóa văn hóa

Minh Quân 06/06/2020 08:00

Trong thời đại phát triển công nghệ, việc số hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật (VHNT) đang là một yêu cầu tất yếu. Nhưng để thực hiện tốt cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là những người làm văn hóa.

Số hóa văn hóa

Việc số hóa các hoạt động VHNT đang xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.

Sự ra quân đồng loạt

Những năm gần đây, việc số hóa các hoạt động VHNT như thư viện, bảo tàng, di tích, nghệ thuật biểu diễn... đang là xu hướng đầu tư phát triển của ngành văn hóa. Thông qua công nghệ số, internet trong thời gian qua (đặc biệt giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19) hàng loạt các hoạt động VHNT đã được lan tỏa dựa trên nền tảng này. Ví dụ như các triển lãm mỹ thuật, hòa nhạc, hội sách trực tuyến...

Thậm chí một lĩnh vực khá trầm lắng như thư viện cũng vừa tiến hành triển khai đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam”.

Trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm của đề án là phấn đấu 100 % thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; Số hóa 70 % tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý;... Dự kiến Đề án sẽ được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10/2020.

Cũng không đứng ngoài cuộc, vừa qua Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã lên kế hoạch xây dựng mô hình kênh nghệ thuật online. Dự kiến, mô hình này trước mắt sẽ được xây dựng trên nền tảng của kênh Youtube. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục NTBD sẽ hỗ trợ việc đưa ứng dụng công nghệ vào quảng bá, lan tỏa đến đông đảo khán giả.

NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết: Đây mới chỉ là chủ trương và chúng tôi chưa thật sự bắt tay vào triển khai mà cần có sự chuẩn bị thật kỹ càng. Chúng ta sẽ không làm theo mô hình Nhà hát truyền hình là bê nguyên một chương trình lên Nghệ thuật online, khán giả chắc chắn sẽ không có nhiều thời gian để xem một vở diễn dài hàng tiếng đồng hồ và dĩ nhiên cảm hứng mang lại cũng không thể được như thưởng thức trực tiếp tại rạp hát.

Cũng theo quyền Cục trưởng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn. Có thể sẽ là một clip ngắn về những nét độc đáo của một chương trình mới được dàn dựng, có thể là một chương trình giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật của một nhà hát, cũng có thể là một chương trình gồm tổ hợp các tiết mục hay, đặc sắc của từng loại hình nghệ thuật riêng biệt...

“Có thể qua kênh online, các đơn vị nghệ thuật sẽ mời ê kíp sáng tạo tác phẩm, các nhà phê bình phân tích về sản phẩm nghệ thuật nào đó. Điều này sẽ rất có lợi cho việc tiếp cận và quảng bá về từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... lâu nay vẫn khó tiếp cận với khán giả”- NSND Nguyễn Quang Vinh nói.

Cần sự đồng bộ

Tuy nhiên, trong thực tế, việc số hóa các sản phẩm văn hóa cũng đặt ra vô vàn những thách thức. Then chốt chính là nắm bắt được thị hiếu của khán giả. Với các hoạt động VHNT, việc trực tiếp được “xem tận mắt, sờ tận tay” vẫn luôn có cảm giác khác so với việc ngồi trước máy truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh... để thưởng thức. Đơn cử như lĩnh vực sân khấu, biểu diễn online cũng chỉ là “giải pháp tình thế” trong thời điểm giãn cách xã hội trước đó. Vấn đề mấu chốt vẫn là làm sao để kéo khán giả đến với sân khấu, bởi bên cạnh sự tương tác còn là nguồn thu của các đơn vị biểu diễn.

NSND Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận: Dẫu có áp dụng công nghệ và đầu tư về kỹ thuật thì cuối cùng vẫn phải là tính hấp dẫn của sản phẩm. Nếu nghệ thuật cứ giữ cách làm cũ, không chịu thay đổi từ tư duy lựa chọn kịch bản cho tới lối dàn dựng cũ kỹ thì vô hình trung lại đưa tới tác dụng ngược. Cục sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định các sản phẩm trước khi được giới thiệu công khai trên kênh Nghệ thuật online.

“Con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường chính là các đơn vị nghệ thuật phải xây dựng thương hiệu riêng bằng chất lượng nghệ thuật và được đánh giá bằng thước đo từ khán giả”- NSND Quang Vinh bày tỏ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng đồng tình và cho rằng: Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa với nhiều yếu tố văn hóa mới, có mặt tích cực nhưng cũng có không ít tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

“Các nước phát triển trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa. Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới, đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với sự thay đổi của môi trường. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và tinh thần kinh doanh đưa ra những cơ hội, khả năng và thách thức mới cho ngành văn hóa về phương thức hoạt động”- PGS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO