Số liệu vênh

Lê Anh Đức 13/05/2017 10:30

Theo báo cáo mới đây của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), trong năm 2016 xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có khoảng 800 người chết và hơn 8.200 người bị thương. Song, theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thì con số thực tế cao gấp khoảng 3 lần. Các chuyên gia của ILO cũng không ngần ngại mà chỉ thẳng ra rằng, chính vì số liệu lệch chuẩn nên không thể có biện pháp phòng ngừa tốt nhất, dẫn đến số vụ TNLĐ và số người chết hàng năm tiếp tục tăng cao khó kiểm soát.

Đảm bảo điều kiện bảo hộ để giảm thiểu tai nạn lao động.

Các chuyên gia ILO khẳng định, khi một vụ TNLĐ chết người xảy ra, nếu được điều tra kỹ lưỡng, đầy đủ thì có thể giúp phòng ngừa được 600 vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện người ta đang có xu hướng giấu nhẹm các vụ TNLĐ chết người không đưa vào báo cáo, thậm chí có doanh nghiệp, địa phương còn không báo cáo. Đây chính là nguyên nhân khá cốt lõi dẫn đến việc khó kiểm soát được số vụ TNLĐ cũng như mức độ nghiêm trọng của từng vụ TNLĐ.

ILO cho rằng, con số mà Cục An toàn lao động đưa ra so với thực tế luôn chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Số vụ TNLĐ nghiêm trọng không ngừng tăng cao theo từng năm, thiệt hại do TNLĐ gây ra là rất lớn nhưng lại chưa được đánh giá đúng.

Chính vì các cơ quan chức năng không nắm bắt được tầm nghiêm trọng của vấn đề nên số liệu báo cáo không đúng và đầy đủ so với thực tiễn của TNLĐ, hạn chế rất nhiều đến việc đánh giá mức độ rủi ro và khả năng phòng ngừa.

Lý giải cho con số chênh lệch trong báo cáo, lãnh đạo Cục An toàn lao động cho biết, sở dĩ số vụ TNLĐ, số người chết và bị thương trong báo cáo của đơn vị này còn khá cách biệt với thực tế là bởi trong năm 2016 chỉ có khoảng gần 10% DN và 44 địa phương báo cáo về TNLĐ.

Vậy nên con số gần 8.000 vụ TNLĐ, làm khoảng 800 người chết không phản ánh hết được tình hình TNLĐ ở Việt Nam. Nếu cất công điều tra số liệu từ các bệnh viện, cơ sở y tế thì sẽ thấy con số các vụ TNLĐ và số người chết, bị thương là đáng giật mình.

Đi tìm nguyên nhân cho việc vì sao nhiều doanh nghiệp, địa phương lại muốn giấu số vụ TNLĐ và số người chết thì mới thấy họ sợ trách nhiệm cũng là việc dễ hiểu.

Đơn giản là khi các doanh nghiệp, địa phương, người sử dụng lao động không muốn báo cáo trung thực về số liệu TNLĐ là vì sợ mất uy tín, trốn tránh bồi thường... Có không ít vụ TNLĐ ở khu vực tư nhân không được thống kê trong các báo cáo mà chỉ được giải quyết mang tính cá nhân giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Số vụ TNLĐ càng tăng cao thì càng có nhiều người chết và bị thương, trong đó chủ yếu là thanh niên tuổi đời từ 15-24, trong đó tỷ lệ tai nạn cao nhất là độ tuổi 18-19. Thống kê của ILO cho thấy, trung bình cứ 1.000 lao động độ tuổi này, có 63 lao động dính tai nạn tại nơi làm việc.

Đáng nói ở chỗ, những thanh niên trai trẻ này lại chính là lao động trụ cột trong gia đình, nên khi họ bị TNLĐ thì đồng nghĩa với việc không chỉ mình họ lao đao mà cả gia đình cũng khốn đốn. Chưa kể gánh nặng xã hội khi có quá nhiều thanh niên bị TNLĐ dẫn đến tàn tật.

Nguyên nhân của việc độ tuổi lao động trẻ lại thường xuyên gặp phải TNLĐ có nhiều, song nổi lên mấy nguyên nhân chính: Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết, không được đào tạo bài bản, hiệu quả về an toàn lao động, bị người sử dụng lao động phân công những công việc không phù hợp với độ tuổi, trình độ...

Trên thực tế, khá nhiều doanh nghiệp ngoài việc không đào tạo kỹ năng đảm bảo an toàn sản xuất, mà còn cố tình bỏ qua các công đoạn, quy trình bảo đảm an toàn cho người lao động, thậm chí còn cắt xén không cấp các trang thiết bị bảo hộ lao động.

Điều này cũng lý giải được nguyên nhân có không ít doanh nghiệp, địa phương giấu giếm không đưa vào báo cáo các vụ TNLĐ chết người.

Theo quy định của luật thì chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn lao động, trang bị các phương tiện bảo hộ cần thiết cho người lao động để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận hành sản xuất. Song, có mấy doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định trên của luật. Đó là lý do họ phải giấu để tránh gặp phiền phức mỗi khi TNLĐ xảy ra.

Vấn đề ở chỗ, hành lang pháp lý hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng để các doanh nghiệp, địa phương, chủ sử dụng lao động có thể tận dụng và lợi dụng.

Đơn cử, việc không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực về con số vụ TNLĐ, số người chết, bị thương tại đơn vị, địa phương cũng chẳng làm sao cả, không ai, cơ quan nào có thể “sờ đến”, cũng chẳng thể bắt phạt hay bỏ tù. Hay như việc luật quy định rất rõ về việc bắt buộc phải có bảo hộ lao động đối với một số nghề nhất định, song nhiều nơi không tuân thủ thì cũng chưa có ai phải trả giá cho sự nhờn luật ấy, dù đã có người chết do TNLĐ.

Vậy mới nói hiện chúng ta đang ở trong cái vòng luẩn quẩn trong câu chuyện TNLĐ. Chủ sử dụng lao động không trang bị bảo hộ lao động cho người lao động, phân công không đúng người, đúng việc, đúng sở trường... để rồi xảy ra TNLĐ.

Khi xảy ra TNLĐ thì lại giấu nhẹm để trốn tránh trách nhiệm, để rồi các cơ quan chức năng khó lòng đưa ra được đánh giá chính xác về mức độ rủi ro nghề nghiệp, đưa ra những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu tránh những vụ TNLĐ tương tự tái diễn.

Tất cả những hệ lụy trên là do cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước còn yếu, cộng thêm vào đó là hành lang pháp lý còn thiếu chế tài nghiêm khắc khiến nhiều người chưa biết sợ. Vậy nên câu chuyện số liệu chênh lệch sẽ còn dài dài chưa có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số liệu vênh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO