Số người nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng đột biến

Lê Bảo 17/04/2021 07:26

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số lao động nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước.

Độ tuổi có số người nghỉ hưởng nhiều nhất là từ 26 - 29 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH một lần, bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo lý giải của cơ quan BHXH chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Đến nay, người lao động đã nghỉ việc đủ 12 tháng nên làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nhỏ người lao động chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu.

Chia sẻ lo lắng trước tình trạng gia tăng số NLĐ nhận BHXH một lần trong 3 tháng đầu năm 2021, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết, khi người lao động nhận BHXH một lần, người lao động sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”, ông Thọ phân tích.

Đơn cử, lấy ví dụ về một NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH, với mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4.000.000 đồng/tháng. Giả định, người lao động này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2021 (không tính đến tác động của các yếu tố: Tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH).

Nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được mức lương hưu là 1.880.000 đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 71 năm (số liệu tuổi thọ bình quân của nam giới theo Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê) thì số tháng hưởng lương hưu là 129 tháng.

Tổng số tiền người đó được hưởng từ quỹ BHXH là 273.973.400 đồng, trong đó, tổng tiền lương hưu nhận được từ khi đủ 60 tuổi 3 tháng đến khi chết: 129 x 1.880.000 đồng = 242.520.000 đồng; Mua thẻ BHYT (4,5%): 10.913.400 đồng; Trợ cấp mai táng phí khi qua đời:10 tháng lương cơ sở, tương đương 14.900.000 đồng; Trợ cấp tuất (giả định tuất 1 lần thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu): 5.640.000 đồng.

Với lao động nữ, do tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ lớn hơn (55%) và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam (tuổi thọ bình quân của nữ là 76,3 tuổi tương đương sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55 tuổi 4 tháng người nghỉ hưu sẽ sống thêm 240 tháng) nên tổng số tiền mà một lao động nữ trong ví dụ này sẽ được hưởng từ quỹ BHXH là: 572.864.000 đồng.

“Như vậy, nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho người lao động. Vì người tham gia bảo hiểm xã hội khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi. Thực tế cho thấy, chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập”, ông Thọ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số người nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng đột biến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO