Sờ sợ trên đường đi...

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng 14/01/2018 11:20

Dì dắt tôi đi đổi mẻ ở xóm trên. Tay dì dắt tôi, tay dì bưng bát cơm. Sang nhà người ta xin mẻ về nấu canh cá phải có bát cơm mang theo để đổi, còn có cái cho con mẻ ăn. Tôi bé lon ton nên thấy quãng đường năm ấy dài lắm!

Sờ sợ trên đường đi...

Phải đến cả cây số. Bây giờ nói đổi mẻ mà đi từ tầng trên xuống tầng dưới chung cư chắc cũng ngại, hoặc đi sang cách mấy dãy nhà có khi cũng thôi! Ngại đi là một, còn ngại cả xin nữa, và nhất là thời nay chắc ít ai còn nuôi mẻ dành nấu canh cá, dân dưới phố đã thôi nhiều rồi, dân trên chung cư lại càng không. Thế nên các bà các cô đi chợ mua luôn một muôi mẻ đựng trong cái túi ni lông của bà bán hàng cho tiện.

Tôi theo dì đi đổi mẻ, trên đường xóm, vòng ra đầu ngõ, theo đường làng lên xóm trên, xuống tận gần cuối ngõ ấy, tính ra là đi hết ba cạnh của một hình bình hành đấy! Mà nếu theo đường thẳng từ nhà mình sang nhà đó theo cạnh còn lại, thì gần hơn rất nhiều. Nhưng đường đó thì phải đi qua cổng, qua sân, qua vườn nhà người khác. Chẳng lẽ mỗi lần lên xóm trên lại đi nhờ qua như thế thì không tiện. Thế nên hôm đó tôi vừa đi vừa được nhìn ngắm những bụi tre, những mái nhà ngói cũ, những ao nước ngập bèo ngay ven đường ngõ mà nếu tối trời ông nào đi xe đạp phi nhanh hoặc say loạng quạng thì cứ liệu - Hồi đó làm gì nhà quê đã có điện. Tôi đi qua cả những cổng nhà cổ đắp hoa chùm, hoa dây đầy đặn với hàng câu đối. Có cả một ngôi nhà xây theo kiểu Pháp mà tôi cứ thấy kỳ lạ, bí ẩn, nó khác tất cả những ngôi nhà chung quanh. Đứng ở sân nhà ông bà ngoại, cũng vẫn nhìn được tầng hai và mái nhọn ngôi nhà im lìm đó nhô cao hẳn lên giữa những mái thấp. Tôi qua cả những hàng rào bao quanh khu vườn rộng, nối đến một ngôi nhà dài ở hai đầu, trên thêm có hai ông tượng cởi trần bụng phệ ngồi nhìn thẳng vào nhau. Thẳng hai ông từ trên thềm xuống là hai con chó đá. Về sau tôi mới biết đó là một nhà thờ của một dòng họ, và hai ông tượng kia đang quỳ chứ không phải ngồi. Đường quê thật vắng vẻ, mà lại thấy hình người và cả hình con chó thật to nữa, nên khi không có người lớn tôi hơi sợ, không dám lại gần. Chả bù cho khi đã quen, đã có lần tôi liều thử đặt tay lên mũi con chó đá. Và khi tôi chỉ ông tượng hỏi là ông nào kia thì mẹ kéo ngay tay tôi lại, lườm tôi và dọa, nói linh tinh, phải tội đấy, không có được chỉ tay vào các ông tượng đâu!

Đi lên chùa, người lớn mải thắp hương khấn vái thì trẻ con rảnh rỗi hơn, tôi đứng xem hòn non bộ trong cái bể xi măng nhỏ đang mở ra trước mắt mình cả một không gian với những suy đoán ly kỳ. Nào là ông già kia đang ngồi câu, có con hổ nó đi ở trên núi này, không biết nó có định xuống ăn thịt ông ý không, ông ý có biết để mà trốn đi không. Rồi con chim đậu trên đỉnh cái núi nhỏ này nữa, có phải chính là con đại bàng trên núi cao mà tôi hay được kể. Lại con nai đứng ở đằng kia, cái cầu bắc qua mặt nước, những bụi cây nhỏ… Cứ thế tôi đứng xem mê mải. Mẹ đi ra thấy tôi chỉ chỉ, cười cười thích thú thì cũng hãi, phải kéo tôi theo ngay, sợ nhỡ tôi nghịch làm gãy, làm vỡ cái gì thì tai hại!

Có những lần mẹ tôi kể chuyện một anh nọ lên đền đứng chụp ảnh cạnh ông tượng, thế rồi về nhà cứ thấy ngứa ngứa ở mắt, đưa tay dụi mãi, dụi mãi chẳng hết ngứa, dụi đến toét cả mắt không khỏi được. Đấy là bị phạt! Còn ai mà xấu bụng lấy trộm cái gì của nhà chùa, hoặc có tính tắt mắt thấy cái gì của chùa cầm về dùng, thì, khỏi phải nói về những tai họa khủng khiếp giáng xuống. Có người lấy cái gì đấy thì về nhà ốm lên ốm xuống, chạy vạy thuốc thang cúng bái mãi chả khỏi, chỉ có làm lễ lên chùa, đem trả lại đồ vật ấy thì dần dần mà được khỏi. Có những người không may mắn như thế, mất chân, mất tay, mất mạng…, ôi thôi! Mà chả trộm, chả lấy gì, nếu có vô tình phạm vào đâu đó một lần thôi, như là ngắt hoa bẻ cành, như là va quyệt vào cổng chùa, cột đình…, có khi cũng dễ bị quở phạt mà không biết trước được. Chả riêng mẹ tôi, bà tôi cũng hay kể, và bao nhiêu bà cụ khác, cũng nằm lòng những câu chuyện như thế, để thỉnh thoảng lại khe khẽ, lại thì thào kể cho con cháu nghe, vừa kể, có khi vừa nhìn nhìn quanh, tưởng như có ai mà mình không nhìn thấy, đang nghe mình nói gì.

Những câu chuyện ghê gớm truyền đi qua người làng xóm nhiều đời, qua già sang trẻ, qua người cũ đến người mới, như một vòng bảo vệ hữu hiệu cho những chốn thiêng liêng khỏi sự vi phạm từ cuộc đời vốn cũng lắm nỗi trần ai. Lớn lên, tôi cứ nghĩ nhiều về những răn dạy bằng cách gây… sốc ấy! Và ngẫm sao ông bà mình sáng tác ra những chi tiết… phũ phàng làm vậy! Nhưng cộng cả những niềm thành kính trong một thế giới tinh thần vốn được coi là đâu đâu cũng linh thiêng, từ ông thánh đến gốc cây, mô đất, với những tai nạn ngẫu nhiên khó lòng lý giải, thì những câu chuyện làm điều xấu gặp tai họa mà chính người kể cũng thấy sờ sợ ấy, sẽ như lời răn, rèn đạo đức, giữ nếp con người.

Rồi nghĩ thêm, tôi cứ thấy thương thương, những suy nghĩ bao năm tháng đời người, cứ nép xuống để mà thấy được yên lành. Nào những kiêng kỵ, nào những lo xa, nào là phấp phỏng, nghe ngóng. Một nhịp trong đời sống tâm linh cứ thế, kéo đi trong làng quê, một nhịp trầm trầm, lẳng lặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sờ sợ trên đường đi...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO