Sốc!

Cẩm Anh 27/12/2016 10:10

Chẳng phải chỉ đến vụ thẩm mỹ viện Cát Tường hay nóng hổi vụ 2 bệnh nhân cùng chết một ngày tại Bệnh viện tư nhân Trí Đức sau khi gây mê, mà nếu những ai đã từng trải nghiệm qua các dịch vụ y tế tư nhân, đều thấy như rơi vào mê cung của các chiêu trò “móc túi” với giá cắt cổ, mà chất lượng chuyên môn rất thấp. Sau nhiều năm chủ trương phát triển y tế tư nhân, đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Sốc!

Ảnh minh họa.

Một đồng nghiệp của chúng tôi cho biết, vừa mới tuần trước, cậu con trai 12 tuổi của chị bị ho, chị cho cháu đến khám tại phòng khám đa khoa Medlatec cơ sở Trích Sài, ở gần nhà. Lúc ấy khoảng 3h30 phút chiều ngày 21/12. Nhân viên lễ tân hỏi lý do khám, rồi phát phiếu bảo chờ ở phòng 103. Nhìn biển, chị thấy đề “Khám ngoại”, đã cảm thấy hơi bất an. Vì sao bị ho lại chờ ở phòng khám ngoại?

Độ 5, 10 phút sau, 1 bác sĩ gọi tên. Chị đưa con vào. Nam bác sĩ chăm chú nhìn vào máy tính, miệng hỏi, tay đánh máy: Cháu bị ho từ hôm nào? Có đau họng không? Có sốt không? Có ngạt mũi không? Sau khi nghe chị trả lời: Cháu ho từ hôm chủ nhật, có ngạt mũi, không sốt. Bác sĩ lập tức bảo: Bây giờ tôi cho cháu đi nội soi mũi họng nhé.

Là một nhà báo, có hiểu biết ít nhiều về y học, đáng lẽ phải chờ cho vị bác sĩ kia chìa tờ giấy có chỉ định nội soi ra đã, rồi mới phản ứng, nhưng vì không thể kiềm chế được, chị cảm thấy vô cùng bức xúc, nên đã bật ra câu hỏi: Anh được đào tạo ở đâu để chữa bệnh mà chưa hề khám lâm sàng trên bệnh nhân đã cho chỉ định chiếu chụp?

Vị bác sĩ thản nhiên: Tôi không thích khám loanh quanh mà muốn đi thẳng vào vấn đề, nội soi luôn cho nó nhanh. Chị đồng nghiệp của chúng tôi tiếp tục cật vấn: Anh đã khám họng cháu chưa? Đã nghe tim phổi chưa? Căn cứ vào đâu để anh cho nội soi mũi họng?

Chắc gì cháu đã bị viêm mũi họng mà viêm phế quản hoặc viêm phổi thì sao? Nghe đến đấy, bác sĩ lập tức trí trá: Tôi bảo cho nội soi mũi họng tức là khám chuyên khoa mũi họng.

Kể lại chuyện này, chị vẫn còn giận run người. Ngay sau đó chị cho con ra khỏi đó và đưa đi khám nơi khác. Nhưng điều chị cho rằng cực kỳ bức xúc là không phải ai cũng nhận ra sự vừa thiếu chuyên môn vừa thiếu lương tâm tại những phòng khám như vậy. Và nhiều bệnh nhân vẫn bị mắc lừa.

Thay vì đáng lẽ chỉ cần khám họng, khám mũi một cách thông thường với chi phí thấp, họ lập tức cho làm các xét nghiệm hoặc chiếu chụp để thu tiền đắt hơn.

Và đối với vị bác sĩ mà mẹ con chị gặp hôm đó, e là thậm chí chẳng hề có chút chuyên môn nào về nội nhi, nhưng vẫn được bố trí ngồi khám. Mặc dù khi bước vào phòng khám, chị đã rất cẩn thận nói rõ với nhân viên lễ tân là con chị bị ho, hiện ở đây có bác sĩ khám không, nhân viên trả lời là có…

Điều đáng nói là đáng tiếc những chuyện như thế này không phải là hiếm gặp ở các cơ sở y tế tư nhân.

Năm 2015, MTTQ Việt Nam có tổ chức chương trình giám sát y tế tư nhân. Qua thực tế giám sát tại 11 cơ sở khám, chữa bệnh của các bệnh viện và phòng khám tư nhân vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa có đủ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ.

Có cơ sở, bác sĩ mới ra trường chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và kê đơn cho người bệnh…

Có nơi đoàn giám sát kiểm tra 4 khoa của một bệnh viện đa khoa tư nhân với 19 hồ sơ được kiểm tra có 11 người chưa có đủ giấy tờ pháp lý trong đó có 8 điều dưỡng viên chưa có chứng chỉ hành nghề, có 1 trường hợp bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn tiến hành khám bệnh và kê đơn…

Tới đây, nguyên nhân cụ thể của vụ việc 2 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Trí Đức sẽ được các cơ quan có trách nhiệm điều tra, làm rõ.

Nhưng rõ ràng, vẫn còn nhiều bất ổn ở khu vực y tế này mà tới khi nào có chuyện xảy ra, người ta mới nhận ra những điều vô lý vẫn ngang nhiên tồn tại.

Như kiểu ở nhiều phòng khám tư, bệnh viện tư không có chứng chỉ hành nghề vẫn trực tiếp khám chữa bệnh, kê đơn. Hoặc 1 bác sĩ khám tất cả các loại bệnh…

Cụ thể trong vụ việc gây tử vong đối với 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Trí Đức, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội thì trong Hồ sơ lưu lại Sở Y tế, Danh sách cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên tại BV Trí Đức được báo cáo tháng 12/2015, chưa có tên của kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Hương và nhân viên dụng cụ Bùi Thị Kim Oanh – 2 người tham gia vào ê kíp mổ khiến 2 bệnh viên tử vong… Với những cung cách hoạt động như vậy, không xảy ra chết người mới là chuyện lạ.

Dư luận còn nhớ rõ là vào dịp xảy ra trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường, ngành y tế rầm rộ xiết chặt các phòng khám tư, nhất là các cơ sở thẩm mỹ.

Cũng như bây giờ sau vụ việc của Bệnh viện Trí Đức có thể sẽ xuất hiện những lời hứa kiểu kiểm tra, rà soát các bệnh viện tư, phòng khám tư…

Trong khi đó, việc hiển nhiên là chỉ cho phép hoạt động nếu các phòng khám, bệnh viện tư đủ năng lực chuyên môn, tuân thủ đúng các quy định. Sai một ly ở những nơi này, là trả giá bằng cả tính mạng con người.

Cũng phải nói thêm rằng còn nhiều vấn đề đang tồn tại ở các cơ sở y tế tư nhân hiện nay như chuẩn đoán sai bệnh, bác sĩ không có chuyên môn, lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp, công nghệ cao khiến bệnh nhân phải chi trả tốn kém, quảng cáo rùm beng, sai lệch…

Trong đó, có cả sự “tiếp tay” của một bộ phận truyền thông. Và sự quản lý lỏng lẻo, làm ngơ, bỏ qua của các cơ quan có trách nhiệm.

Không thể phủ nhận sự phát triển của lĩnh vực y tế tư nhân đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân trong những năm qua. Nhưng cũng giống như giáo dục, y tế không phải là lĩnh vực để chỉ chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách. Và người ta đầu tư rồi chỉ chăm chăm thu lợi nhuận để rồi cái giá đau đớn phải trả theo kiểu thỉnh thoảng lại có một ca “sốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốc!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO