Sóc Trăng: Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Trung Kiên 16/02/2021 14:00

Những ngày cuối năm Canh Tý bước sang năm mới Tân Sửu 2021, có dịp trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, lắng nghe về những quyết tâm của cả hệ thống chính trị đồng lòng vượt qua một năm nhiều thách thức đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực…  

Cơ sở hạ tầng của Sóc Trăng ngày càng phát triển.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tỉnh uỷ Sóc Trăng, năm 2020 kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt khoảng 6,75%; GRDP bình quân đầu người đạt 50,1 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Năm 2020, toàn tỉnh giảm trên 6.600 hộ nghèo, tương đương giảm trên 2%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 3%. Tỷ lệ hộ nghèo của Sóc Trăng năm 2020 khoảng 2,91%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo Khmer khoảng 4,67%.

Đặc biệt trong thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tính đến cuối năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ được trên 246.600 đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo với kinh phí trên 219,5 tỷ đồng, đạt trên 97% đối tượng được hỗ trợ.

Được biết, để đạt được những thành tích ổn định trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt nhất là trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện thành công đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng…Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án sản xuất công nghiệp, các dự án điện gió sớm đi vào hoạt động; triển khai các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; tăng cường các hoạt động kích cầu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy du lịch phát triển…

Công tác xây dựng Đảng, xây dự hệ thống chính trị được tăng cường; cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 tăng so với năm 2019. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Đánh giá chung về những kết quả nổi bật trong cả giai đoạn 2016 – 2020, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Trong 24 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ qua, có 20 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,15%/năm; các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai thực hiện, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 185 triệu đồng/ha. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả nổi bật; đến nay, có 50/80 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 62,5%; huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn NTM và TX Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...

Nông dân trồng lúa được mùa được giá.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện; tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên.

Chia sẻ thêm về công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Lâm Văn Mẫn cho biết: Tích cực quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3 - 4%. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống còn 4,67%. Cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các giá trị văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Công tác chăm sóc sức khỏe trong đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện. Năm 2020, tỉnh đã cấp phát trên 340.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS với kinh phí trên 273 tỷ đồng, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 94,67% dân số tham gia bảo hiểm y tế…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và năng lượng sạch

Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đề ra và phấn đấu đạt các mục tiêu như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 50,2 triệu đồng/người. Sản lượng lúa đặc sản chiếm trên 53% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; sản lượng thủy, hải sản đạt 323.000 tấn. Đến cuối năm 2021, Sóc Trăng có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16%; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 64.650 tỷ đồng và thu nội địa ngân sách nhà nước đạt 3.716,8 tỷ đồng...

Để thực hiện các mục tiêu và kế hoạch của năm 2021 và phát huy những thế mạnh tiềm năng vốn có của địa phương. UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, Kế hoạch 5 năm (2020- 2025) tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về biển, đảo hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển, quy định về quản lý các xã đảo, các cồn, bãi ngầm theo quy định của pháp luật.

Cảng Sóc Trăng đón các tàu lớn.

Cùng với đó là khai thác tốt lợi thế đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, chuyển đổi các mô hình nuôi nhỏ lẻ, sang nuôi công nghiệp quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ, trong đó chú trọng đầu tư khu công nghiệp Trần Đề; đẩy mạnh phát triển du lịch biển nhằm hình thành các tuyến du lịch Cần Thơ- Sóc Trăng- Côn Đảo; Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng- Côn Đảo;...

Đối với Kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra các giải pháp như tiếp tục sắp xếp, đổi mới về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên, đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, kiên quyết chấm dứt các hình thức đánh bắt tận diệt thủy sản.

Cùng với đó tiếp tục phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển, đặc biệt là khoáng sản cát; đầu tư cơ sở hạ tầng có tính dẫn dắt phục vụ hoạt động khoáng sản; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chuyển giao công nghệ lĩnh vực khoáng sản; rà soát, xây dựng và thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, hải đảo thuộc thẩm quyền.

Song song đó, Sóc Trăng sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển và khai thác lợi thế của ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch tại các huyện, thị như Cù Lao Dung, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu; khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề- Côn Đảo; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sóc Trăng: Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO