Sôi động thị trường xuất khẩu gạo

H.Hương 10/04/2016 09:35

Quý đầu tiên của năm, gạo đã ghi điểm mạnh trong những mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng nông lâm thủy sản. Thị trường lúa gạo bỗng nhiên sôi động. Dự báo giá gạo sẽ có những biến động.

Sôi động thị trường xuất khẩu gạo

Được mùa.

Xuất khẩu gạo bừng sắc

Xuất khẩu bền vững luôn là vấn đề được các chuyên gia, lẫn các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, thường xuyên trong cảnh phập phù. Và thường thì khi mất mùa thì nông sản được giá. Nói câu chuyện chất lượng nông sản, vẫn còn nhiều khoảng lạnh. Với mặt hàng gạo xuất khẩu thì sao?

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT trọn quý đầu tiên của năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu tăng 41%, trị giá gạo cũng tăng xấp xỉ con số đó. Quy về con số cụ thể, xuất khẩu gạo ước đạt 1,59 triệu tấn với tổng giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong những năm trước, các hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam trong quý I thường không nhiều nên các doanh nghiệp đều gặp khó về thị trường. Tuy nhiên, năm nay, quý I lại có tín hiệu tích cực với sự bứt phá ngoạn mục cả về lượng và về giá. Nguyên nhân do đâu?

Ông Huỳnh Thế Năng- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chia sẻ thông tin trên báo chí, lũy kế đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến ngày 29-2-2016 đạt 2,248 triệu tấn. Con số này bao gồm cả hợp đồng xuất khẩu đã ký chuyển từ năm 2015 sang là 1,2 triệu tấn. Hợp đồng ký được nhiều cũng đồng nghĩa với thành tích xuất khẩu tốt.

Về thị trường xuất khẩu, Indonesia vươn lên là thị trường thứ nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17,15% thị phần. Hai tháng xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 160,69 triệu tấn và 71,5 triệu USD, tăng 39,2% về khối lượng và tăng 53,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Philippines là thị trường tăng trưởng mạnh (hơn 11 lần về khối lượng và giá trị), đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần.

Mức xuất khẩu đột biến, có lẽ nhờ vào thời điểm đầu năm, các doanh nghiệp cũng khẩn trương hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, bao gồm cả hợp đồng thương mại lẫn hợp đồng tập trung. Cả doanh nghiệp và thương lái đẩy mạnh thu mua, bán, khiến thị trường có phần sôi động hơn.

Theo nhận định của VFA lẫn Bộ NN&PTNT, năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn như năm 2015. Tuy nhiên, giá bán và số lượng xuất khẩu như thế nào sẽ ít nhiều tùy thuộc vào diễn biến của hiện tượng thời tiết là El Nino.

Cập nhật thông tin mới từ cuộc họp sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 diễn ra cuối tần trước cho biết tình hình hạn và mặn xâm nhập đã làm thiệt hại 180.000 ha lúa. Diễn biến xâm nhập mặn ở một số tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đã ở mức báo động, nếu tính theo con số cụ thể, tổng giá trị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Sản xuất các vụ lúa còn lại trong năm 2016 vẫn tiếp tục đối phó với những khó khăn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch hại.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, toàn vùng sẽ xuống giống khoảng 4 triệu 600 ngàn ha lúa, năng suât bình quân ước đạt 59,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 27 triệu 400 ngàn tấn, giảm trên 100 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó lượng gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó các quốc gia nhập khẩu gạo lớn Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập khẩu gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino.

Phía cơ quan quản lý - Bộ NN&PTNT cho biết đang làm việc với các cơ quan có liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi. Châu Phi có 1 tỷ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, loại gạo mà Việt Nam có thể cung cấp với mức giá hợp lý.

Định vị chất lượng

Nằm trong chuỗi sự kiện liên quan đến “gạo”, một thông tin cần được chú ý đó là Tổng công ty lương thực miền Nam, các công ty lương thực Long An, Tiền Giang, Sông Hậu…, đã có buổi làm việc tại Paris với đại diện của Auchan- tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp, nhằm tìm hiểu nhu cầu nhập khẩu gạo của tập đoàn này trong việc cung ứng gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cho thị trường Pháp và châu Âu. T

hông tin từ báo chí cho biết, ông Frédéric Yu, phụ trách bộ phận nhập khẩu hàng hóa của tập đoàn Auchan, đã giới thiệu các chủng loại hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tiêu chí chất lượng để được tập đoàn xem xét và nhập khẩu. Ông cho biết, Pháp là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn ở châu Âu.

Hàng năm, nước Pháp tiêu thụ trung bình khoảng 240.000 tấn gạo. Hiện giờ thị trường Pháp đang tiêu thụ chủ yếu gạo Basmati của Ấn Độ, gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt Nam chưa xuất hiện nhiều tại các siêu thị và cũng chưa xây dựng được thương hiệu tại Pháp.

Với những dữ liệu trên, thấy rằng, cơ hội cho hạt gạo Việt Nam tại đất Pháp là có. Nhưng với Pháp, phải xác định rằng, đây là một thị trường khó tính. Hạt gạo Việt cần phải vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật, chất lượng.

Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015. Vụ Đông Xuân 2015- 2016 có khả năng không phải mua tạm trữ như cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, giá mặt hàng lúa gạo tại thị trường trong nước và thế giới có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ.

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến sôi động, lúa Đông Xuân tăng giá do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam. Hiện nay, việc thu mua lúa đang diễn ra thuận lợi. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 như sau: tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 450 đ/kg, từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sôi động thị trường xuất khẩu gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO