Sớm sắp xếp lại hệ thống nhà xuất bản

Minh Hà 22/05/2017 08:35

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức về quán triệt thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư khóa XII về công tác xuất bản. Theo đó, thời gian tới sẽ rà soát sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản; đồng thời với đó là việc qui hoạch lại mạng lưới phát hành sách…

Độc giả đến với một Hội chợ sách tại Hà Nội.

Sau 10 năm thực hiện, công tác xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu kém trong công tác xuất bản như: số tác phẩm có giá trị chiếm tỷ lệ chưa cao; hơn 90% vi phạm về nội dung diễn ra tại các nhà xuất bản có liên kết với các đối tác nước ngoài; thiếu biên tập viên chất lượng cao làm ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm, thậm chí dẫn đến nhiều sai sót.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng điểm chung là các cơ quan chỉ đạo, quản lý chưa có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất bản.

Ban Bí thư yêu cầu rà soát sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản (NXB); qui hoạch lại mạng lưới phát hành sách; xây dựng các đề án: chương trình sách quốc gia, phát triển xuất bản điện tử, quảng bá sách Việt Nam ra nước ngoài...

Các cơ quan chủ quản các NXB cũng được yêu cầu phải bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng nên nhân rộng mô hình Đường sách tại TP HCM để phát triển văn hóa đọc.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ được đặt ra là cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đặc biệt là bổ sung nhanh chóng những nơi đang thiếu NXB chiến lược như hai tỉnh Gia Lai, Cà Mau để kịp thời có những ấn bản phẩm phục vụ cho địa phương và cả khu vực. Đồng thời, sẽ tháo gỡ khó khăn cho các NXB bằng việc giảm thuế, đưa vào danh mục ưu tiên, có chính sách đầu tư ưu đãi.

Trước đó, cho đến hết năm 2015 nhiều NXB gặp khó khăn. Trong số 63 NXB trên cả nước chỉ có 27 thực hiện đổi giấy phép thành lập theo qui định của Luật Xuất bản. Như vậy, ở thời điểm đó hơn một nửa số nhà xuất bản có nguy cơ xóa sổ.

Bởi chiểu theo Nghị định Qui định chi một số điều và biện pháp thi hành luật Xuất bản, có hiệu lực từ ngày 1/3/2014, NXB phải có 5 tỉ đồng vốn và trên 200 m2 diện tích cơ sở vật chất cùng nhân lực phải có chứng chỉ biên tập viên do quản lý nhà nước cấp. Nếu không đảm bảo, các NXB phải ngưng hoạt động hoặc tìm cách “sáp nhập”.

Đáng lưu ý, 5 tỉ đồng chỉ là con số cần để mỗi NXB tự xuất bản 30 cuốn/năm. Nhằm thu gọn các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, phương án được đưa ra là sáp nhập NXB.

Đơn cử như Bộ VHTT&DL đã đề nghị sáp nhập NXB Văn hóa - Thông tin và NXB Âm nhạc vào NXB Văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thủ tục sáp nhập, quy định về xử lý nợ, cấp vốn bổ sung... còn gặp nhiều vướng mắc.

Cùng với đó, trong suốt một thời gian dài, việc buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng các NXB dựa dẫm đối tác liên kết cho ra đời những sản phẩm xuất bản kém chất lượng, khiến bạn đọc và dư luận hết sức bất bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm sắp xếp lại hệ thống nhà xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO