Sơn mài Việt Nam ở Paris

Hiệu Constant 17/10/2020 14:00

Hồi tháng 9 vừa qua, tại phòng triển lãm Joseph, nằm trên phố Froissard thuộc quận 3, trung tâm thành phố Paris, các sản phẩm sơn mài của Việt Nam đã chiếm một vị trí xứng đáng tại phòng triển lãm trong số các sản phẩm nghệ thuật của 43 nhà thiết kế, đến từ bốn quốc gia gồm Pháp, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Một số sản phẩm trưng bày tại Triển lãm.

Theo bà Vanessa Silvy - cựu Tùy viên Văn hóa tại Đại sứ quán Pháp ở Thái Lan, một thành viên ban tổ chức dự án, thì đây còn hơn cả một cuộc triển lãm thông thường “mà là một dự án hợp tác rất lớn trong khu vực đông nam Á”. Thái Lan đã hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác. Để thực hiện dự án này, Pháp đã gửi 21 nhà thiết kế đến làm việc tại năm thành phố ở các quốc gia nêu trên trong vòng ba năm, trong đó có một xưởng ở Việt Nam, và một xưởng ở Indonésia, số còn lại là ở Chiềng Mai, Thái Lan. Những người này đều trực tiếp tham gia làm việc với các thợ thủ công tại tám xưởng sản xuất địa phương để cùng nhau sáng tạo ra hàng trăm những sản phẩm độc đáo. Và Hanoia là xưởng ở Việt Nam đã được ban tổ chức dự án mời hợp tác. Họ đã gửi đến ba nhà thiết kế trẻ Pháp là Marie-Aurore Stiker Métral, Guillaume Delvigne và Pierre Charié. Cùng với các nghệ nhân thuộc làng nghề sơn mài ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, họ đã đem đến triển lãm những sản phẩm trên chất liệu tre, gỗ hết sức độc đáo.

Vẫn theo bà Vanessa Silvy, xưởng sản xuất ở Việt Nam hơi đặc biệt, bởi Việt Nam vẫn chưa có sự hợp tác trực tiếp giữa những nhà thiết kế địa phương với các nhà thiết kế Pháp. Bà nói: “Khi tôi liên hệ với người đồng nghiệp của mình là Emanuelle Brande thời ấy, ông ấy cũng là Tùy viên và giám đốc viện Pháp ở Việt Nam, ông ấy đã rất hứng thú với dự án này, và chính ông ấy đã gợi ý sáng kiến làm việc với Hanoia. Và rất nhanh, tôi đã liên hệ với xưởng sản xuất này.” Bà nói tiếp: “Có một nhà thiết kế của Hanoia đã đến dự Tuần Thiết kế ở Chiềng Mai năm trước và họ đã có thể chứng kiến những gì diễn ra ở Thái Lan về mặt thiết kế, và chính vì thế nên dự án đã được ký kết hợp tác”. Hanoia là một xưởng đặc biệt chuyên về sơn mài và đã xuất khẩu các sản phẩm của mình ra khắp thế giới. Cùng với các nhà phụ trách dự án, ban tổ chức đã chọn ba nhà thiết kế trẻ người Pháp là Marie-Aurore Stiker Métral, Guillaume Delvigne và Pierre Charié. Ba người này đã thông qua xưởng Hanoia để làm việc với làng nghề ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Họ đã gửi trước đến xưởng sản xuất ở Duyên Thái tất cả những đồ mẫu, những sáng tạo của họ. Khi họ đến nơi thì mọi thứ đã sẵn sàng" - bà Vanessa tiếp tục - "Họ đã tận dụng xưởng sản xuất này để làm việc về màu sắc, để xem các chất liệu nào có thể chịu đưng được sơn mài. Và cuối cùng, chúng ta đã nhận thấy rằng họ đã đưa ra được những sản phẩm đồ vật thật tuyệt vời”.

Một số sản phẩm trưng bày tại Triển lãm.

Anh Charles Coutris đã đến Việt Nam từ nhiều năm và làm việc với rất nhiều cơ sở sản xuất thủ công ở Việt Nam nói chung và Thường Tín nói riêng. Anh rất hứng thú với dự án này. Đến xem triển lãm, anh thực sự hài lòng với các sản phẩm của các nghệ sĩ Pháp làm việc với xưởng sản xuất Việt Nam mà anh từng quen biết và đánh giá cao những sản phẩm được trưng bày lần này tại Paris. Anh cũng đánh giá cao tay nghề của các thợ thủ công Việt Nam. Mắt lấp lánh sáng, anh chia sẻ: "Tôi đến xem triển lãm này vì đã làm việc với các thợ thủ công Việt Nam từ nhiều năm nay. Tôi muốn xem có gì mới mẻ trong những hình ảnh sản phẩm của các nghệ nhân. Và hôm nay, tại đây, chúng ta đã được xem những sản phẩm có chất lượng rất cao về sơn mài”.

Theo anh Charles Coutris, đó chính là điều mà các nghệ sĩ Pháp quan tâm. “Bởi, - anh nói tiếp - chính tôi cũng đã làm việc với các làng nghề ở miền Bắc và trên chất liệu đá như Duyên Thái, ở Thường Tín. Ngoài ra, chúng tôi còn làm việc ở Đồng Xâm - Thái Bình trên liệu đồng và thiếc, đó là những thứ mà chúng tôi đánh giá rất cao. Tôi cũng có ý định đến xem các thợ thủ công sản xuất trên chất liệu sừng nữa, đó cũng là một sự đặc biệt của xứ sở này. Thật là tuyệt vời bởi ta tìm được nguồn cảm hứng sáng tạo trong những công việc này và ta thích thú khi ngắm nhìn chúng”.

Anh Charles Coutris.

Anh Charles Coutris thổ lộ rằng làm việc với các nghệ nhân và thợ thủ công Việt Nam, nhiều lúc dễ chịu, khi khác lại phải tuân thủ theo truyền thống làng nghề của họ: “Cũng tùy thuộc vào mỗi thợ thủ công và nghệ nhân, vì tôi làm việc với rất nhiều người khác nhau. Có những thợ thủ công thực sự đặc biệt và họ luôn cố gắng hiểu xem chúng tôi muốn làm gì và cố gắng sáng tạo thêm điều gì đó. Còn một số người khác thì chỉ muốn làm đúng theo những tiêu chuẩn truyền thống của họ, và khi ấy chúng tôi biết rằng mình chỉ có thể làm việc với họ trong một phạm vi đã định sẵn”. Anh nói tiếp: “Nhưng trên hết, một điều không thể chối cãi, đó là họ đều có một tài năng khó sánh nổi và có thể thực hành những chất liệu khác nhau như tre, gỗ, đá, sừng, bạc và cả những chất liệu kim loại quí hiếm, đó quả là một kho báu”. Anh rất vui khi chia sẻ những câu chuyện và giai thoại về mảnh đất Thường Tín và các nghệ nhân và thợ thủ công ở đây, nơi đặc biệt có nhiều làng nghề truyền thống: “Người Thường Tín rất thân thiện và cởi mở, tôi coi đó như ngôi nhà thứ hai của tôi, vì tôi đã đến đó từ gần hai mươi năm nay. Tôi làm việc với những ngôi làng ở Thường Tín, có làng làm về sừng, về gỗ như ở Nhị Khê, về mây tre đan... Dân làng đón tiếp tôi như thể tôi là một người con của họ vậy. Tôi thường xuyên ăn tối với các thợ thủ công, đó là những thời khắc rất thoải mái. Đó thực sự là ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi đó thật đặc biệt”.

Bà Vanessa Silvy.

Chị Nhật Trinh Minet là một kiều bào trẻ, rất hứng thú với các sự kiện liên quan tới Việt Nam diễn ra tại Pháp. Khi được hỏi về buổi triển lãm, chị hồ hởi: “Tôi rất vui được đến xem buổi triển lãm sơn mài. Và càng tự hào hơn nữa khi tôi thấy sản phẩm sơn mài của Việt Nam mình được bày triển lãm chung với tất cả các nước trên thế giới. Điều đó chứng minh rằng nước Việt Nam mình đang ngày càng phát triển và hòa nhập nhiều hơn với các nước trên toàn cầu. Điều đó khiến tôi thật tự hào khi đang sống trên đất Pháp, thấy sản phẩm của Việt Nam ngày càng lan rộng và lan tỏa ra nhiều. Thực sự là tôi rất vui”.

Chị Nhật Trinh Minet.

Cùng với sự phát triển và giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, thì quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống đến các bạn bè quốc tế là một phần rất quan trọng, chứng tỏ tay nghề khéo léo của các nghệ nhân và thợ thủ công trong việc lưu giữ bảo tồn và phát triển các làng nghề Việt Nam. Triển lãm các sản phẩm sơn mài của Thường Tín trên các chất liệu tre gỗ tại Pháp không chỉ là niềm tự hào của các tay thợ làng này mà còn là niềm tự hào và vinh dự của mọi người Việt Nam xa xứ và tại Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sơn mài Việt Nam ở Paris

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO