“Sống chung” với chất thải gia súc

Hạnh Nguyên 01/03/2016 08:05

Nuôi nhốt gia súc đang là một giải pháp để “cứu cánh” cho người nông dân, nhưng việc xử lý chất thải lại bị lơ là khiến cả khu dân cư (KDC) phải “sống chung” với chất thải gia súc hàng chục năm nay. Đó là thực trạng tại thôn Thanh Hòa (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo phản ánh của người dân tại thôn Thanh Hòa, nhiều năm nay, KDC này phải chịu cảnh hôi thối nồng nặc do các hộ dân nuôi nhốt gia súc trong KDC. Nghiêm trọng nhất là việc các hộ dân không quan tâm xử lý chất thải mà để phân, nước tiểu tự do thải ra môi trường, khiến người dân không dám dùng nước giếng để sinh hoạt mà phải đi xin ở làng bên cạnh.

Đơn cử như gia đình anh Phạm Văn Thành tại thôn Thanh Hòa. Khu đất của gia đình anh Thành chỉ rộng khoảng 400m2, thế nhưng nhiều năm nay ngoài việc xây dựng nhà cửa kiên cố, gia đình anh còn làm chuồng nuôi nhốt hơn chục con bò thịt. Khoảng cách giữa chuồng bò với nhà ở của anh Thành chỉ vài bước chân.

Chất thải từ hàng chục con bò nhà anh Thành được xả thẳng ra mương nước sinh hoạt của cộng đồng KDC Thanh Hòa. Vì thế, hàng trăm hộ dân trong thôn được “hưởng” mùi hôi thối này. Không riêng gì hộ anh Thành, mà nhiều hộ gia đình ở đây cũng có hình thức chăn nuôi tương tự. Quan sát khu vực chăn nuôi, hầu hết chất thải xả trực tiếp tràn ra môi trường, phần còn lại một số hộ có xây dựng hố để chứa phân chứ không xây bể biogas. Phân sau khi được được dồn đống ít ngày thì thải ra đồng ruộng.

Điều mà người dân thôn Thanh Hòa lo ngại nhất là sợ nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi chất thải chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn. “Nước sinh hoạt chủ yếu sử dụng từ giếng đào nhưng do lo ngại ô nhiễm nên nhiều gia đình trong thôn đã bỏ hoang, phải đi xin nước ở những nơi khác về dùng”, một người dân chia sẻ.

Mặc dù các hộ chăn nuôi đều nhận thức được được việc chăn nuôi trong KDC là không đủ điều kiện về đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến bà con lối xóm, nhưng để mưu sinh, họ không có lựa chọn nào khác. Bình quân mỗi hộ gia đình ở thôn Thanh Hòa nuôi từ 2-3 con bò, lợn, hộ nhiều thì từ 10-30 con. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng khu giết mổ tập trung gia súc, gia cầm nhưng vẫn không tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Phan Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, cho biết: “Từ khi người dân có phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên trách xuống trực tiếp kiểm tra, địa phương cũng đã vận động người dân dừng chăn nuôi trong KDC để đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, hiện nay còn một ít hộ vẫn duy trì thói quen chưa chịu chấp hành…”.

UBND xã Phù Lưu cũng đã kiến nghị lên huyện Lộc Hà và chính quyền huyện này đã chấp thuận đầu tư xây dựng khu vực giết mổ tập trung xa KDC. Đến nay công trình đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng, khắc phục được tình trạng giết mổ gia súc tự do tại hộ gia đình.“Còn vấn đề nuôi nhốt gia súc trong KDC thì tới đây xã sẽ tiếp tục vận động để người dân tự giác chấp hành, nếu không sẽ có biện pháp mạnh để đảm bảo môi trường, sức khỏe cho người dân xung quanh…”, ông Châu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Sống chung” với chất thải gia súc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO