Sống chung với Covid-19?

Thế Tuấn (tổng hợp) 22/08/2021 13:30

Tới thời điểm này, cuộc chiến chống Covid-19 ở châu Âu đang dịch chuyển sang chiều hướng dài hạn, coi đây là kiểu dịch theo mùa.

Các nước như Đức, Italy hay Pháp đều thay đổi chiến lược, từ chấm dứt đại dịch sang chọn học cách sống chung với Covid-19. Chiến lược mới này trên cơ sở “phủ sóng vaccine” và chuẩn bị áp dụng tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba) vào mùa Thu - Đông tới.

Sự thay đổi mang tính chiến lược này nhận được hậu thuẫn từ tâm lý công chúng, khi mà người dân châu Âu đã chấp thuận các biện pháp kiểm soát xã hội để phòng dịch trong một thời gian dài và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần đông người châu Âu nhận thức được rằng dịch vẫn có thể bùng phát, do đó khẩu trang, giãn cách và một số điều kiện y tế khác vẫn tiếp tục được thực hiện một cách tự giác.

Cuộc sống vẫn phải tiến lên phía trước

Nước Đức dù chưa dỡ hạn chế toàn bộ, thì cũng đã cho phép những người đã tiêm vaccine, những người nhiễm Covid-19 và đã hồi phục và người có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được lui tới nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm công cộng trong không gian kín hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Vaccine giúp ngăn chặn tình trạng mắc bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm mạnh đã tước đi những hy vọng về chiến thắng tuyệt đối trước đại dịch, khó có thể đưa nhịp sống trở lại bình thường như thời chưa có Covid-19. Vì thế rất cần một thái độ thực tế, cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước” - Philippe Marnett, công dân Berlin nói.

Trên thực tế, khi nào Covid-19 đạt tới ngưỡng như kiểu dịch cúm thông thường vẫn là điều giới khoa học chưa thể khẳng định. Nhưng vaccine đã đưa ra một câu trả lời khá rõ ràng đó là vũ khí tối quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Khi vaccine đã bao phủ, số ca mắc mới tại châu Âu nằm trong tầm kiểm soát bát chấp sự lây lan ghê gớm của biến thể Delta. Số ca mắc mới trung bình ngày tính theo tuần tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh là 95.500 ca/ngày, tính đến ngày 20/8. Con số này tương đương với mức 186 ca mắc mới/1 triệu dân, giảm 14% so với mức đỉnh hồi tháng 7 với mức 110.000 ca/ngày.

Đáng chú ý, số ca phải nhập viện ở châu Âu cũng thấp hơn sau mỗi đợt dịch, cho thấy hiệu quả của vaccine. Tỉ lệ nhập viện vì Covid-19 tại Pháp là 65 ca/1 triệu dân trong tuần đầu tháng 8, giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh hồi tháng 3. Tại Đức và Italy, tỉ lệ người bệnh phải nhập viện tính trên 1 triệu dân cũng giảm 90% theo cùng thời kỳ. Mức giảm ở Anh là 80%.

Tại Italy, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề trong giai đoạn đầu dịch bệnh, chính quyền cũng đã hướng đến một cuộc chiến kéo dài. “Chúng tôi nhận thức rằng cuộc chiến chống Covid-19 còn tiếp diễn và đó là cuộc chiến lâu dài. Người dân sẽ không mất cảnh giác vì họ biết rằng mọi chuyện chưa kết thúc. Và chính điều đó tạo ra niềm tin rằng đã có thể sống chung với virus trong một trạng thái bình thường mới” - Claudio Cancelli, Thị trưởng vùng Nembro, gần vùng tâm dịch trong làn sóng Covid-19 đầu tiên tại Italy chia sẻ.

Dẫn lời giới khoa học y học, tờ New York Times (Mỹ) đánh giá, sau gần 2 năm chiến đấu với virus SARS-CoV-2, đã đến lúc nghĩ tới việc quay trở lại với cuộc sống thường nhật theo kiểu “bình thường mới” khi dùng phương tiện công cộng, nhà hàng, sân bay với chung một khẩu hiệu: “Chúng ta phải học cách sống chung với Covid-19”. Nói như Giáo sư Dale Fisher (Đại học Quốc gia Singapore) - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ngăn ngừa và Kiểm soát bệnh lây nhiễm, Bộ Y tế thì khi mở cửa trở lại “cần cảnh báo người dân rằng sẽ có nhiều ca nhiễm. Nhưng đó là một phần của kế hoạch và chúng ta phải chấp nhận nó”.

Trước đó, tháng 6, khi số ca mắc mới lần đầu tiên tăng lên mức 2 con số, người Singapore rất lo lắng. Một nhóm nghị sĩ viết bài bình luận trên tạp chí Straits Times đã đặt vấn đề: “Người dân đang đấu tranh với sợ hãi. Tất cả đều đặt câu hỏi là: Khi nào và bằng cách nào đại dịch sẽ chấm dứt”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong khẳng định nước này đã đi đúng hướng khi lên kế hoạch nới lỏng dần hạn chế, thay vì theo dõi số trường hợp mắc mới sẽ tập trung vào những ca cần phải chăm sóc đặc biệt và dùng máy thở và vẫn quy định phải đeo khẩu trang tại các không gian kín.

Giới trẻ Singapore tự tin vượt qua đại dịch.

Vaccine - “chiếc vé giúp chúng ta bay qua đại dịch”

Tuy nhiên, trước dự định “mở toang cánh cửa, chung sống với Covid-19” của nhiều quốc gia, không hẳn đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Nhà dịch tễ học Michael Baker (Đại học Otago, New Zealand) nhận xét: Các quốc gia đang “đi đường tắt” khi mở cửa trở lại. Vì rằng cho đến nay tỉ lệ tiêm vaccine Covid-19 vẫn rất thấp ở đa số các quốc gia, có nghĩa là virus SARS-CoV-2 vẫn có cơ hội để sản sinh biến thể mới, “lẩn tránh” được những mũi vaccine đã tiêm trước đó.

Giáo sư Michel Baker dẫn chứng trường hợp đối với Australia, khi mà vào hồi đầu tháng 7, Thủ tướng Scott Morrison đã tuyên bố về kế hoạch 4 giai đoạn để quay trở về với cuộc sống bình thường. Nhưng ngay sau đó, biến thể Delta tấn công nên kế hoạch lại phải trì hoãn.

“Chiếc vé để giúp chúng ta “bay” qua đại dịch chính là vaccine. Nhưng khi mà đa số các quốc gia, vùng lãnh thổ vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm vaccine thì thử hỏi những quốc gia đã tiêm đủ hai mũi có an toàn không” - GS Michel Baker nói và cho rằng mục tiêu trước mắt phải đạt được là “phủ sóng” vaccine và giữ số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp; thay vì “chung sống với Covid-19”.

Tuy nhiên, Chính phủ nhiều nước vẫn cho rằng đã đến lúc có thể “sống chung” với Covid-19. Cũng như Đức, Pháp, Italy, Chính phủ Anh cho rằng tình hình “không thể đảo ngược” bất chấp sự lây lan của biến thể Delta; trong khi Anh là một trong những quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới: Cứ 100.000 người ở Anh thì có 192,64 người chết vì Covid-19, dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, SARS-CoV-2 sẽ “trở thành một loại virus mà chúng ta có thể cách sống chung như bệnh cúm”. Vì vậy, ông Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng dịch, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang, các quy tắc giãn cách xã hội từ ngày 19/7, khi mà với 66% dân số trưởng thành đã được tiêm 2 mũi vaccine.

Ngày 17/7, khi nước Anh chính thức mở cửa trở lại, chấp nhận sống chung với Covid-19, người dân xứ sở sương mù đã gọi đó là “Ngày Tự do”. Người dân thoải mái ra đường, các quán bar đông nghẹt mở thâu đêm.

“Chúng ta đang tiến về phía trước” - Tiến sĩ Oliver Watson (Đại học Hoàng gia London) nói và nhận xét mặc dù có nhiều ý kiến về nhu cầu cân bằng giữa các biện pháp y tế công cộng và mở cửa kinh tế, song cả hai không loại trừ lẫn nhau.

Ngày 17/8, nước Mỹ ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong vì Covid-19, tương đương với khoảng 42 người chết/giờ, trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục càn quét các vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Các ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở Mỹ đã tăng đột biến trong tháng qua và trung bình là 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Vì vậy, vào tối ngày 17/8 (giờ địa phương), Nhà Trắng đã gia hạn yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay, tàu điện, xe bus và tại các sân bay, ga tàu đến giữa tháng 1 năm sau.

Miền nam nước Mỹ vẫn là tâm dịch trong đợt bùng phát mới nhất do biến thể Delta khi Florida ghi nhận mức kỷ lục gần 26.000 ca nhiễm mới trong 1 tuần - theo số liệu của CDC Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi số liều tiêm trung bình trong 7 ngày tăng 14% trong vòng 2 tuần qua.

Lần cuối cùng Mỹ ghi nhận hơn 1.000 người chết trong 1 ngày là vào tháng 3/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống chung với Covid-19?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO