Sống ở cao nguyên Changtang

Bùi Mai Loan 09/12/2016 15:00

Cao nguyên Changtang (thuộc Tây Tạng) là một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới với điều kiện thiên nhiên vượt quá giới hạn chịu đựng của người bình thường, nhưng kỳ diệu thay bộ tộc người Changpa vẫn sinh tồn một cách phi thường nơi đây- đời này qua đời khác.

Họ sống dựa vào việc chăn thả gia súc.

Vùng đất khắc nghiệt

Cao nguyên Changtang, nằm ở biên giới Tây Tạng và Ấn Độ, trên dãy núi Himalaya. Khu vực này kéo dài khoảng 1.100 km và có diện tích tương đương với nước Pháp. Đây là vùng đất khô cằn, lộng gió và không hề có bất cứ dòng sông nào.

Nơi đây, các dãy núi chia tách các thung lũng có độ cao tương đối thấp, tạo ra nhiều hồ lớn nhỏ khác nhau, thường là hồ muối hay kiềm. Tại Changtang, còn có những vùng đất đóng băng không cố định, đất trở nên lầy lội và được bao phủ bởi cỏ, giống như các lãnh nguyên Siberi.

Khí hậu của Changtang vô cùng khắc nghiệt và khó lường. Mùa hè nóng bức, mùa đông giá lạnh như ở Bắc cực. Bên cạnh đó, những cơn mưa, chủ yếu là mưa đá kèm theo sấm chớp có thể thình lình xuất hiện, bất kỳ lúc nào trong năm.

Người Changpa sống trong những túp lều ở cao nguyên Changtang.

Changtang là quê hương của người Changpa- những người du mục Tây Tạng. Sau sự xâm lược của Trung Quốc vào năm 1959, người Tây Tạng đã bất chấp nguy hiểm để đến vùng đất xa xôi và hẻo lánh này. Tại đây, họ sống không tiền, không công nghệ và gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hoạt động liên kết duy nhất có lẽ là việc trao đổi các sản phẩm từ chăn nuôi.

Cuộc sống bình dị

Tháng 5 vừa qua, nhiếp ảnh gia người Anh Cat Vinton đã công bố những bức ảnh lột tả đầy đủ cuộc sống của người dân Changpa trên đỉnh Himalaya phủ đầy tuyết trắng. Cô có 3 tháng trải nghiệm cuộc sống nơi đây khi được ở cùng một gia đình bản địa gồm 5 người. Vợ chồng ông Gaysto và bà Yangyen, con gái Sonam cùng con trai Karrma của họ. Tất cả đều sống trong những túp lều làm từ da trâu yak.

Sau những tháng ngày “chia sẻ ngọt bùi” cùng các thành viên trong gia đình ông Gaysto, nhiếp ảnh gia Vintom cho biết, cuộc sống nơi đây rất đơn giản và hòa mình vào môi trường xung quanh. Họ sống theo kiểu bán du mục, dựa vào việc chăn thả gia súc. Vì vậy, họ dành toàn bộ thời gian của mình để chăn thả đàn gia súc, dù điều điều kiện thời tiết có khắc nghiệt đến mấy.

Trẻ em Changpa.

Người dân Changpa vô cùng yêu quý các con vật nuôi dê và cừu, không chỉ bởi chúng là nguồn sống duy nhất, mà còn đóng vai những người bạn rong ruổi trên mọi nẻo đường. Họ hát cho chúng nghe và thậm chí sẵn sàng vượt qua nhiều ngọn núi để tìm kiếm đồng cỏ mới cho chúng.

Những người dân ở Chang Tang không cần đến tiền mà họ chủ yếu trao đổi hàng hóa với chính phủ Ấn Độ. phần lớn là dê và các sản phẩm từ dê. Điều đáng ngạc nhiên khi nhiếp ảnh gia Vintom khám phá ra rằng phương tiện hiện đại nhất của những người Tây Tạng tại đây chỉ là chiếc máy khâu Usha cũ. Họ không sử dụng công nghệ hiện đại, cũng như không có các phương tiện thông tin liên lạc mà chỉ chủ yếu dựa vào truyền miệng.

Người Changpa tin vào Phật giáo.

Nền văn hoá đặc biệt

Người dân ở Changtang có một văn hóa hết sức đặc biệt là phụ nữ có thể có nhiều hơn một người chồng. Một người chồng thường ở nhà để giúp đỡ vợ trong cuộc sống hằng ngày. Trong khi người chồng khác thì thường xuyên phải đi xa, chăn nuôi các đàn gia súc.

Ngoài ra, các gia đình ở Chang Tang vô cùng tin vào Phật giáo, họ thường tụng kinh cầu nguyện trong ánh sáng mặt trời vào buổi sớm. Có lẽ chính niềm tin lớn lao này đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để kiên cường sống, trong điều kiện mà mọi thứ thiếu thốn. Một cuộc sống tự do với những niềm hạnh phúc giản dị. Những tâm hồn sống không vướng bận bất cứ điều gì... chỉ có tình người giản dị hòa với thiên nhiên yên bình.

Phụ nữ làm các sản phẩm len từ lông dể để trao đổi hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống ở cao nguyên Changtang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO