Sông Tô rồi sẽ ra sao…

Lục Bình 15/08/2019 08:30

Hà Nội tính dùng khoảng 150 tỷ đồng lấy nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, sau đó xả vào sông Tô Lịch để làm sạch dòng sông này. Đây là phương án được lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho là rẻ và tối ưu nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia 150 tỷ đồng chỉ giải quyết được phần ngọn, nếu không giải quyết được tận gốc đó là chặn nước thải ra sông Tô thì dòng sông này khó mà hồi sinh.

Liên quan đến tranh luận xung quanh phương pháp làm sạch sông Tô Lịch, đặc biệt sau vụ Hà Nội xả nước Hồ Tây làm “trôi” thành quả thử nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, chiều 13/8, lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục đề cập đến một giải pháp không mới: Lấy nước từ sông Hồng để bổ cập cho Hồ Tây đồng thời tạo dòng chảy ra sông Tô Lịch.

Nói đây là giải pháp không mới là bởi cách đây gần 40 năm, từ năm 1980 các chuyên gia của Liên Xô (cũ) đã tính đến việc lấy nước sông Hồng bổ sung cho Hồ Tây và lấy nước ở Hồ Tây thau rửa cho sông Tô Lịch. Hoặc cuối những năm 1990, rồi đầu năm 2000, các chuyên gia Áo thông qua một dự án cải tạo nước Hồ Tây cũng đã đề xuất một số ý tưởng cấp nước cho Hồ Tây từ nguồn nước sông Hồng. Hay một số ý tưởng từ các chuyên gia Bộ môn Cấp thoát nước Trường Đại học Xây dựng cũng từng đề xuất phương án dùng nước sông Hồng thau rửa sông Tô Lịch, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa làm hồi sinh được dòng sông quá ô nhiễm này.

Đánh giá về phương án này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu triển khai được thì đây sẽ là phương án làm một mà đạt hai kết quả. Cụ thể, chỉ cần lấy được nước sông Hồng vào Hồ Tây, lượng nước được lưu thông sẽ đẩy ra sông Tô Lịch theo hệ thống kênh vốn có. Cùng với cảnh quan, mặt nước trên Hồ Tây và sông Tô Lịch đủ điều kiện để phát triển du lịch, giao thông.

Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về dự án này khi mà gốc của vấn đề không nằm ở việc thau rửa nước ô nhiễm sông Tô Lịch chỉ một lần. Bởi, nếu dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô sạch một lần mà không chặn được nước ô nhiễm từ nước sinh hoạt của các hộ dân sinh sống ven sông cứ ngày ngày đổ ra thì việc làm sạch này sẽ trở nên vô nghĩa.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việc cải tạo này là chỉ thật sự khả thi khi hệ thống nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý bằng hệ thống riêng. Còn PGS.TS Trương Mạnh Tiến- Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội nhận định, muốn làm sạch sông Tô Lịch cần có giải pháp mang tính chất tổng thể, toàn diện. Nếu chính quyền Hà Nội chỉ tập trung vào vấn đề kinh phí, kể cả kinh phí có nhiều hơn nữa thì cũng chỉ như muối bỏ bể nếu không xử lý tận gốc của vấn đề, đó là nước thải xả ra hàng ngày. “Dù bằng công nghệ gì, quan trọng nhất vẫn là xử lý nước thải từ nguồn, không cho nước thải tiếp tục bổ cập vào sông mới giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm”- ông Tiến đề xuất.

Được biết, dự kiến Hà Nội sẽ đồng thời thực hiện song song nhiều giải pháp, dẫn nước từ sông Hồng vào thau rửa sông Tô, đồng thời tách nước thải sinh hoạt đưa về Trạm xử lý Yên Xá chứ không xả thẳng ra sông như trước-Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng khẳng định như vậy. Theo đó, dự kiến 4, 5 năm nữa sẽ xây dựng xong Trạm xử lý nước thải Yên Xá để chặn nước thải, không để nước thải xả thẳng ra sông Tô Lịch. Tuy nhiên, dự án thu gom nước thải sẽ làm thế nào, bao giờ mới được phê duyệt và bao giờ mới về đích, liệu có về đích đúng tiến độ hay không. Câu trả lời còn bỏ ngỏ!

Phải cứu sông Tô Lịch, điều này không chỉ làm sạch môi trường để người dân thoát khỏi cảnh ô nhiễm khi sống cạnh sông, không chỉ có ý nghĩa làm sạch môi trường mà nó có tiềm năng rất lớn về du lịch nếu biết cách khai thác. Tất nhiên, phải tìm mọi cách làm sạch sông. Nhưng để thực hiện nó cần một nguồn kinh phí không nhỏ. Theo đó, từng dự án cụ thể như lấy nước từ sông Hồng vào Hồ Tây rồi thau rửa sông Tô Lịch mỗi năm bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền. Hay dự án thu gom nước thải ra sao, lộ trình, kinh phí thế nào. Có cần hỗ trợ thêm các chế phẩm sinh học như công nghệ làm sạch nước thải mà các chuyên gia Nhật Bản đang thử nghiệm hay không. Tất cả những vấn đề này cần công khai, minh bạch và có cơ quan độc lập giám sát. Có như vậy, mới chính là động đến gốc rễ của vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông Tô rồi sẽ ra sao…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO