Sống tối giản và hạnh phúc

Đào Thuý Duyên (TP Marburg CHLB Đức) 30/06/2019 08:00

Tôi bắt đầu tự mình đọc sách và nghiên cứu về lối sống tối giản trước thời gian qua Đức du học. Ban đầu, do được một người bạn thân thời đại học đang sinh sống và làm việc ở Singapore giới thiệu, tôi đã quyết định tìm đọc cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio.

Sống tối giản và hạnh phúc

Thời điểm đó, tôi chưa thực sự ngấm được hết tinh thần của cuốn sách đó, phải đọc đến lần thứ 2, mọi thứ mới dần “vỡ” ra, nhưng tôi lại thấy nó sao... khó quá! Vì tôi vốn là người thích lưu giữ kỷ niệm, từ những tấm ảnh đã cũ, đến cái bát bằng đồng mua khi đi du lịch, rồi cái đồng hồ để bàn của một người bạn tặng đã bị hỏng. Tôi cứ canh cánh một điều: nếu bỏ đi, thì tức là những kỷ niệm cũng dần bị lãng quên, rồi biến mất lúc nào không hay. Tất cả những nỗi sợ ấy đã khiến tôi mất một thời gian dài để tự mình làm quen với suy nghĩ tối giản hoá cuộc sống.

Thực chất, khái niệm tối giản là một khái niệm khá trừu tượng và tương đối mở, chính vì thế mỗi người sẽ có một góc nhìn và định nghĩa khác nhau về lối sống này. Do đó, bản thân mỗi người trong chúng ta sẽ tự thành lập một “công thức” riêng cho mình và dần dần điều chỉnh bản thân để hình thành “cơ chế” riêng khi theo đuổi lối sống này.

Điều đầu tiên, lối sống tối giản với cá nhân tôi không chỉ đơn thuần là khái niệm lược bỏ những đồ dùng không cần thiết trong cuộc sống, mà trước hết, bạn cần phải hiểu điều này trong tư duy của bạn. Chẳng hạn như, trước khi mua một cái áo mới, một thỏi son đang được rất nhiều chị em săn lùng, thay vì mua theo trend (theo phong trào). Hãy dừng lại và suy nghĩ xem bạn có thực sự cần chúng trong đời sống hàng ngày không, khi mà cả chục thỏi son cũ đang nằm trong mấy hộp trang điểm mà bạn lâu lắm chưa dùng đến, hay liệu cái áo mới bạn định mua có nhất thiết phải có trong tủ đồ của bạn. Điều này có nghĩa là tư duy của bạn phải ý thức được trước khi bạn mua đồ mới về rồi lại phải đem bỏ mấy đống đồ cũ đi. Theo tôi đó là sự lãng phí chứ không phải tối giản nếu cứ nghĩ rằng: “Thôi mua đã, còn những cái ở nhà, không mặc đến, có thể đem đi cho hoặc làm từ thiện”, bạn sẽ thực sự rơi vào một vòng luẩn quẩn giữa việc chăm chỉ đi mua đồ mới và chịu khó lược bớt đồ cũ. Sống tối giản không phải vậy, bởi nếu cứ liên tục đắm chìm trong suy nghĩ mua gì và vứt gì, ấy là bạn đang cực kỳ lãng phí thời bạc và thời gian của bản thân. Mà đã là lãng phí, thì sao có thể giúp bạn vui vẻ và nhẹ nhõm được?

Thứ hai, sống tối giản ở đây không chỉ dừng lại ở mức độ lược bớt đồ đạc mà còn thể hiện trong “chiến dịch” sắp xếp lại những mối quan hệ xã hội trong cuộc đời bạn. Tôi xin được trích câu nói của tác giả Leo Babauta đã đưa ra trong bài viết “Why Zen Habits?” như sau: “Khi sắp xếp và chọn lọc những thứ cần thiết với bạn, bạn sẽ tìm ra được ý nghĩa sống ngay trong một cuộc sống hối hả và hỗn loạn, đón chào những niềm vui, nét đẹp trong từng khoảnh khắc của cuộc đời và nói lời tạm biệt với mọi sự rắc rối, phức tạp”. Trong xã hội hiện đại, khi những nền tảng công nghệ len lỏi vào đời sống cá nhân, mọi chuyện đều có thể trở thành của chung, nếu cá nhân đó không biết cách kiểm soát cảm xúc hoặc luôn luôn suy nghĩ tiêu cực.

Vậy thì đây là lời khuyên của tôi: Hãy bớt sử dụng facebook đi, dành thời gian cho bản thân và gia đình, thay vì quá lo lắng vào những chuyện không phải của mình. Hãy tự nhắc nhở bản thân và tạo dựng thói quen nói không với mạng xã hội khi đang ở cùng con cái, chồng hoặc vợ. Với riêng vợ chồng tôi và cậu con trai, từ thời điểm gần 2 năm về trước, khi qua Đức, chúng tôi đều thống nhất là xoá app mạng xã hội facebook trên điện thoại, để không còn tiện tay lướt face nữa! Ngoài thời gian tôi đi học ở giảng đường hay chồng tôi đến Lab làm thí nghiệm, con trai tôi đi nhà trẻ, buổi tối là khoảng thời gian các thành viên cảm thấy vui nhất. Vì chúng tôi dành thời gian trọn vẹn cho nhau như: nấu ăn cùng nhau hoặc chơi bóng đá ngoài vườn. Trước khi đi ngủ, bao giờ cũng dành thời gian đọc sách (cả tiếng Việt và tiếng Đức) cho con, hoặc hát một bài hát cùng nhau. Ngày cuối tuần, cả 3 chúng tôi cùng nhau đi chợ, dọn dẹp lại nhà cửa, và thích nhất chúng tôi có thể đi dạo ở trong rừng cùng nhau. Ở Đức, tôi nhận thấy rằng, mọi người đều rất chăm chỉ đi bộ (kể cả đối với những người bị khiếm thị). Thời gian đi dạo trong rừng là khoảng thời gian cả nhà đều được khám phá những thứ mới, như việc lần đầu tiên con trai tôi được nhìn thấy con sóc chạy trong rừng, hay việc nhặt được những quả thông khô khi đang đi bộ cũng là những niềm vui tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa. Hơn nữa, khi chúng ta biết cách thu gọn lại những mối quan hệ, tập trung cho những người mình gắn bó yêu thương, nghĩa là chúng ta sẽ không còn cảm giác tranh giành hay đố kị với ai nữa. Tự nhắc nhở bản thân rằng triết lý hạnh phúc của lối sống tối giản chính là tự mình sắp xếp, dọn dẹp và từ bỏ những thứ không cần thiết, qua đó chúng ta có thể tập trung được vào những thứ thực sự quan trọng trong cuộc đời, và vì vậy tìm ra hạnh phúc đích thực của bản thân mình.

Sống tối giản và hạnh phúc - 1

Thứ ba, sống tối giản có phải là ích kỷ và keo kiệt không? Câu trả lời là: không! Lý do ở đây là hãy thử dọn dẹp lại căn nhà, phòng ngủ và phòng khách của bạn thay vì giữ lại những món đồ không cần thiết với gia đình, bạn sẽ thấy không gian của bạn không những dễ thở và ngăn nắp hơn nhiều. Nếu là phụ nữ, hãy dùng hết một thỏi son trước khi mua thỏi mới, đó không phải là keo kiệt, mà điều này không những giúp đầu óc bạn thanh thản (không phải nghĩ mua son gì cho hợp mốt với đám bạn), mà còn giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn, không tiêu xài phí phạm. Khi bạn nghĩ rằng liệu bạn có ích kỷ với bản thân, vì biết đâu có những thứ mà bạn đang định vứt bỏ, có thể sẽ dùng trong tương lai. Hãy nghĩ xem tương lai ấy là lúc nào nhỉ, hay là chẳng bao giờ bạn dùng đến món đồ đó. Hãy bình tĩnh, ngồi xuống và ghi những món đồ bạn cho là cực-kỳ-cần-thiết trong đời sống hàng ngày và chỉ giữ lại những món đồ đó. Nếu không, hãy mạnh dạn đem tặng cho những ai có nhu cầu hoặc vứt bỏ chúng đi.

Thứ tư, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, để giúp cho đầu óc bạn trở nên nhẹ nhõm và thanh thản hơn khi bạn lược bỏ bớt đồ đạc, hãy... đọc sách. Những cuốn sách luôn luôn biết cách làm dịu lại những cơn thèm thuồng vật chất hay khư khư giữ lại đồ đạc (thời gian đầu, tôi hay... tiếc của, nên rất hay suy nghĩ về chúng). Đọc sách chính là một trong những cách hữu hiệu nhất để bạn quên đi cảm giác nhớ nhung những món đồ không cần thiết. Ngoài việc thu nhận thêm những kiến thức bổ ích từ sách, bạn sẽ thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực kiểu như xót tiền, hay cảm thấy bị hụt hẫng khi không có nhiều đồ trong nhà.

Sống tối giản không hẳn là một trào lưu, và cũng không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với cuộc sống ít đồ đạc, hoặc phải cân nhắc trong tất cả những mối quan hệ. Đồng thời, sự tối giản cũng không phải là một thứ “thiền” hay “đạo”, mà theo tôi, nó chính là cuộc sống thường nhật chúng ta vẫn sống thôi. Cá nhân tôi cho rằng điều ý nghĩa nhất mà bản thân có được từ lối sống này là: Không phải việc mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền mà là việc tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm trong suy nghĩ, từ đó khiến tôi luôn có năng lượng tích cực trong cuộc sống và làm việc cũng hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống tối giản và hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO