Sống trong 'chảo lửa'

Phương Hà 10/05/2016 11:00

Mặc dù đầu tháng 4  Tây Nguyên đã lác đác nơi có mưa, nhưng lượng mưa mỏng và ít không đủ để giải một phần cơn khát cháy của hàng chục nghìn ha lúa, cà phê nơi đây. Người dân Tây Nguyên vẫn đang từng ngày, từng giờ mòn mỏi ngóng mưa.

Những ruộng lúa nứt nẻ chờ mưa.

Ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô

Những ngày qua, Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với cơn khát đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, cây cối chết khô...Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhận định đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.

Hệ lụy của nó là nhiều cánh đồng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ mỗi ngày lại càng thêm khô cằn, nứt nẻ. Toàn khu vực hiện có 25.000 hộ dân với hơn 123.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, 319.000 người đang lâm vào cảnh thiếu ăn do giáp hạt và hạn hán. Điều quan ngại là mực nước trên các ao hồ, sông suối ở Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Nhiều lòng sông, suối chỉ còn trơ lại sỏi đá. Một số hồ nước đã thấp hơn mực nước chết như Ia Rung (Gia Lai), Krông Búc Hạ, Ea Súp Hạ, Núi Lửa (Đăk Lăk), Đăk Sa Nen, Đăk Brông, Hồ Chè, Ia Bang Thượng (Kon Tum).

Nếu nói về độ khắc nghiệt thì có lẽ Gia Lai là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Gần hai tháng nay người dân Gia Lai phải tìm đủ mọi cách vét kênh, đào đất, chắt chiu từng giọt nước để cứu mùa màng. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân đành bất lực để cho những cánh đồng lúa vàng úa, khô héo dần còn những nương cà phê cứ mỗi ngày lại chết cháy thêm, nhìn như giàn củi khô.

- Tôi đã cạn sức rồi. Mưa chẳng thấy đâu mà nắng thì như rót lửa xuống ruộng đồng. 4hécta càphê mỗi ngày lại thêm héo rũ. Vốn liếng, công sức và trăm khoản trông cả vào đây, giờ thì trắng tay rồi. Anh Hùng ở xã Ia Đreng, huyện Chư Pứh than thở.

Cũng giống như gia đình anh, để cứu cho những vườn càphê của gia đình mình, nhiều hộ dân đã chấp nhận vay tiền đào giếng để lấy nước tưới. Mỗi giếng khoét sâu đến 4-50 mét mới có nước. Thế nhưng đó cũng chỉ là giải pháp cầm cự bởi lượng nước ngầm này cũng đang cạn kiệt dần. “Nếu như sắp tới rời vẫn không có mưa thì diện tích càphê nhà tôi coi như mất trắng. Chưa có năm nào ông trời lại làm hạn nặng như năm nay. Thời tiết khắc nghiệt như này không biết người dân sẽ sống kiểu gì” – chị Hồng người dân Ia Blứ (huyện Chư Pứh) rầu rĩ.

Thống kê của tỉnh Gia Lai cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn nước đang diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25.000 ha lúa, 21.000 ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm trước). Ước tính thiệt hại trên 151 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh có gần 15.000 hộ với hơn 64.000 nhân khẩu thiếu đói.

Đăk Lăk cũng là tỉnh bị thiệt hại nặng nề. 250.000 hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh đói và rất cần sự hỗ trợ. 62.000 hộ khác đang ngóng trời mưa. Về nông nghiệp, 5.790 ha lúa đông xuân, 40.440 ha cà phê, 1.420 ha rau màu tập trung ở các huyện Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Ea Kar... đang bị cạn kiệt nguồn nước tưới tiêu. Tỉnh đã chi khoảng 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đầu tư 35 tỷ đồng cho công tác chống hạn, tuy nhiên vẫn đành chấp nhận để nhiều diện tích lúa và cà phê bị mất trắng.

Nam Trung Bộ cũng trong tình trạng khô hạn nặng. Diện tích lúa đông xuân bị thiếu nước là 4.650 ha, trong đó Bình Thuận là 3.530 ha, Ninh Thuận 610 ha, Phú Yên 510 ha. Đặc biệt có khoảng 11.000 người ở Bình Thuận và 18 xã ở Phú Yên đang thiếu nước sinh hoạt.

Nỗ lực tìm các giải pháp ứng phó

Trước tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí chống hạn, khôi phục sản xuất và phòng chống đói giáp hạt trong thời gian tới. Bộ cũng đề nghị bổ sung kinh phí để sớm hoàn thành các công trình thuỷ lợi đang xây dựng, góp phần tăng thêm năng lực trữ nước mùa mưa, điều tiết cấp nước cho mùa khô.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra các giải pháp chống hạn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Về thuỷ lợi, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, thay đổi phương thức tưới tiêu (rút ngắn đợt tưới, giảm số lần tưới, giữ ẩm gốc cây). Các loại máy bơm dã chiến và cả những công cụ thủ công như gàu bơm tát của từng gia đình phải được huy động tối đa cho công tác chống hạn.

Cơ quan chức năng cũng lưu ý bà con nông dân cần khoan thêm và sửa chữa các giếng bị hư hỏng để lấy nước. Về nông nghiệp, các tỉnh cần phân loại diện tích gieo trồng, các loại cây để có thứ tự ưu tiên cấp nước. Ở Tây Nguyên cần ưu tiên tưới tiêu cho các loại cây giống, lúa đã và đang trổ bông, cần lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây lương thực ngắn như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu để có thêm lương thực chống đói trong những ngày giáp hạt.

Công tác phòng, chống hạn cũng đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp tích cực vào cuộc. Tỉnh Gia Lai phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng các đầu ngành ở tỉnh, huyện, thị xã, thành phố về tận các xã, thôn, làng, buôn, bản, để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân dùng nhiều biện pháp phối hợp như: dùng rơm, rạ, cỏ khô, cây thực vật ủ gốc cho cây cà phê, hồ tiêu nhằm giữ độ ẩm, chống bốc hơi nước cho cây trồng; khai thông hệ thống kênh mương thủy lợi; ở những vùng cao không có hệ thống thủy lợi thì tạo điều kiện cho dân vay vốn nhằm khoan giếng lấy nguồn nước ngầm tưới tiêu và sử dụng sinh hoạt hằng ngày…

Còn tại Kon Tum, Tỉnh ủy chỉ đạo gắn trách nhiệm của từng đồng chí cấp ủy viên với địa bàn cơ sở, hạn chế đi ra ngoại tỉnh, phải gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân trong những lúc khó khăn, hạn hán gây ra; chỉ đạo ngành y tế phun thuốc phòng ngừa với những dịch bệnh khô da, lở, ngứa do thiếu nước tắm giặt, nguồn nước bị ô nhiễm...

Mặc dù đầu tháng 4 lác đác một số nơi ở Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to nhưng vẫn không thể giải được một phần cơn khát cháy nơi đây.Theo dự báo, tình hình EI-Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng trong các tháng tiếp theo ở miền Trung và Tây Nguyên, nguy cơ nắng nóng sẽ diễn ra trên diện rộng. Lượng mưa được nhận định là thiếu hụt nhiều hơn so với mọi năm. Hiện tại Tây Nguyên, dòng chảy các sông và hồ chứa vẫn tiếp tục thiếu hụt, khả năng diễn ra trên diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong 'chảo lửa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO