Sông vẫn chảy bên trời

Phùng Văn Khai 20/04/2021 09:00

Trong vòng mười năm mà Hội đồng họ Phùng đã tổ chức được 7 cuộc Hội thảo khoa học cấp toàn quốc cho các vị vua, danh nhân, danh thần, danh tướng mang họ Phùng đồng thời ra tới 11 tập sách không chỉ là một kỷ lục đáng ghi nhận...

Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam trao tặng bức tranh sơn dầu về danh nhân - Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, nhà văn Hoàng Quốc Hải, người nổi tiếng với những bộ tiểu thuyết lịch sử về hai triều Lý - Trần có nói rằng: “Trong vòng mười năm mà Hội đồng họ Phùng đã tổ chức được 7 cuộc Hội thảo khoa học cấp toàn quốc cho các vị vua, danh nhân, danh thần, danh tướng mang họ Phùng đồng thời ra tới 11 tập sách không chỉ là một kỷ lục đáng ghi nhận mà chất lượng từ các hoạt động đó đã khơi dậy và đánh thức tiềm năng rất lớn về đạo lý uống nước nhớ nguồn, để con cháu có được nền tảng tri thức về văn hóa lịch sử khiến mỗi người tự học tập, cân bằng và cống hiến tốt hơn trong cuộc sống. Để làm được điều đó, trước hết phải thấy rằng chính là mỗi người làm công tác dòng họ, đặc biệt ở thượng tầng Hội đồng đều có một đức tính vô cùng tốt đẹp và hiếm thấy. Đó là người có của thì không cậy của, người có công thì không cậy công. Điều đó tưởng là dễ nhưng lại vô cùng khó”.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói trên của nhà văn. Quen biết và được gần gũi ông đã hơn hai mươi năm, tôi thấy rõ sự chân thành và động viên rất lớn của nhà văn thông qua nhận định trên và cố gắng hết sức để thực hiện lời nhận định ấy.

Ngẫm ra đúng là thế thật. Không riêng với công tác dòng họ Phùng mà cả đối với xã hội, các anh các chị họ Phùng thảy đều dùng hết khả năng và trí tuệ, tinh thần và vật chất của mình hòng đóng góp ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn cho xã hội. Trong đó phải kể đến đóng góp của Thạc sĩ Phùng Văn Lực - Chủ tịch Trung tâm Thương mại Dịch vụ Lực Tiến Plaza ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì. Mỗi khi giáp Tết Nguyên đán, Thạc sĩ Phùng Văn Lực dù rất bận vẫn dành thời gian và cử người trực tiếp tới gặp các cơ quan đoàn thể địa phương để bàn bạc, lên danh sách và trao tặng hàng trăm suất quà Tết cho người nghèo, nhất là các đối tượng chính sách. Không chỉ dịp Tết, mà các kỳ cuộc trong năm, những thôn xóm khó khăn, hộ gia đình nghèo đều được Phùng Văn Lực hết lòng giúp đỡ. Số tiền mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng mà anh đều tiến hành thực hiện một cách rất khiêm tốn và ân cần, tình nghĩa. Phùng Văn Lực thường tâm niệm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, quý là quý ở tấm lòng chứ vật chất có đáng gì mà kể công ra. Đối với việc dòng họ cũng vậy. Anh đóng góp cũng lặng lẽ và tự khiêm tốn lắm. Trong các kỳ cuộc trao giải thưởng cho các cháu đỗ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thường niên ở Văn Miếu, anh đều có mặt từ tinh sương góp công, góp sức, nhất là vật chất để trao tặng các cháu. Có một lần, giáo sư Trần Ngọc Vương thấy quang cảnh ấm áp lạ thường ấy bèn nói đùa: “Chả đâu như họ Phùng, còn dám giao thạc sĩ trao thưởng cho tiến sĩ”. Tôi bèn thưa lại với thầy: “Thầy ơi! Thiên hạ không chỉ trân trọng sự học mà còn rất biết tôn vinh những người biết thực hành. Trần Thủ Độ đâu có biết chữ vẫn cùng bậc thầy cũng là người bạn chí thiết Phùng Tá Chu cùng nhau tạo dựng cơ nghiệp nhà Trần lừng danh sử sách đó sao?” Vị giáo sư cười hiền bảo: “Ừ, kể cũng có lý và cũng nên trân trọng sự thực hành của những người biết chắt chiu lao động mà tạo nên suối, nên sông”.

Thạc sĩ Phùng Văn Lực.

Hiếm thấy ai chăm chỉ như thạc sĩ Phùng Văn Lực. Dù bộn bề công việc đến mấy, hàng tuần anh vẫn dành thời gian trao đổi, động viên tôi tham mưu, xử lý công việc dòng họ vốn là việc “cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà nếu không dành thời gian, tâm huyết, cả vật chất nữa sẽ không thể thực hiện được chu toàn. Biết tôi đam mê sáng tác, anh thường nói nhà văn thì nghèo cơ mà có ích. Con cháu sau này cần phải có nhiều sách để đọc. Hãy biết hy sinh đi những thú vật chất cũng là đóng góp ở đời vậy. Đối với bố mẹ và con cái gia đình tôi, anh cũng luôn động viên, chia sẻ không chỉ điều hơn lẽ thiệt mà chính bằng tấm gương của anh đối với cha mẹ, gia đình nội ngoại và dòng tộc.

Nhiều lúc tôi đã thấy được sự an nhiên, chất thiền trong con người thạc sĩ Phùng Văn Lực. Anh như dòng sông thong thả chảy dưới trời, miệt mài cung cấp những vạt phù sa au đỏ, những mạch nước thảo thơm năm này qua tháng khác mà chưa bao giờ nghĩ tới công lênh của mình. Phùng Văn Lực đã giúp hàng trăm, có lúc là hàng ngàn người lao động có thu nhập ổn định và một gia đình bình yên, hạnh phúc. Tấm gương của anh đã dẫn dắt theo hàng trăm tấm gương cộng sự. Sự bao dung độ lượng, sự mềm mại thâm trầm của vị thủ lĩnh Phùng Văn Lực đã cho các cộng sự, nhất là thế hệ trẻ tự tin lao động và cống hiến. Thanh niên vùng đất Ba Vì khi tìm kiếm việc làm đều được anh tận tâm giúp đỡ để trưởng thành, có thu nhập và nhất là có khát vọng làm giàu. Chính quyền và nhân dân địa phương đều tìm thấy một chỗ dựa đáng tin cậy, nhất là ở những công việc khó cần phải có sự quyết đoán, sự đầu tư về vật chất thì Phùng Văn Lực đều luôn có mặt ở tuyến đầu. Anh là một trong những người đóng thuế nhiều nhất ở Ba Vì. Anh cũng là người tạo công ăn việc làm cho người lao động nhiều nhất ở địa phương. Bản thân anh cũng là một tấm gương về lao động, luôn thức khuya, dậy sớm và hết sức hết lòng trong công việc.

Nói về công việc, quả Phùng Văn Lực nhanh nhẹn khác người. Có một lần, khi trao tặng bức tranh sơn dầu về danh nhân - Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, để thêm phần trang trọng, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam quyết định để thạc sĩ Phùng Văn Lực đọc diễn văn khái quát thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Bùng. Tôi khá lo khi chưa thấy anh đọc diễn văn, nhất là bài viết về văn hóa bao giờ. Thế mà tất cả đã sững người trước bài diễn văn xuất sắc của Phùng Văn Lực và khi ấy tôi mới biết anh từng là học sinh giỏi văn của tỉnh Hà Tây. Không chỉ vô cùng giỏi tiếng Việt mà chữ Hán Nôm Phùng Văn Lực cũng hiểu biết rất thành thạo. Những bài thơ Hán cổ, thậm chí cả “Truyện Kiều” anh đều thuộc nằm lòng và luận bàn sâu sắc lắm. Phùng Văn Lực luôn trân trọng câu Kiều “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Đó cũng là phương châm sống của anh và các cộng sự.

Không chỉ biết cống hiến, thạc sĩ Phùng Văn Lực còn rất biết hy sinh đi những quyền lợi của riêng mình vì cái chung, vì nghĩa lớn. Anh sẵn sàng hiến đất, vật chất và thời gian để làm cuộc sống của bà con nhân dân làng xóm tốt đẹp hơn. Thậm chí những tranh chấp, trong đó có cả việc xâm lấn các công trình văn hóa của một số người không biết đạo lý, thạc sĩ Phùng Văn Lực vẫn tham mưu, chỉ đạo chúng tôi thương thảo để lấy lại đất đai khuôn viên cũ của đình đền, lăng mộ. Nếu là người khác, với tầm ảnh hưởng như anh có thể có cách làm khác nhưng Phùng Văn Lực luôn nghĩ người ta đã sai rồi, cũng là do túng thiếu mà làm liều nay bù đắp cho họ sẽ tự nghĩ mà ăn năn cũng là một cách kéo con người trở lại chính đạo để con cháu họ lấy đó làm gương mà cư xử ở đời. Khu di tích Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội được khang trang như hiện nay có tâm huyết và những đóng góp quan trọng của anh.

Là người phải quản lý, xử lý khối lượng công việc rất khổng lồ nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh cáu giận việc gì. Thậm chí là những việc tày trời vô lý đến tận cùng mà chỉ những người làm kinh tế đa năng như anh mới giáp mặt, Phùng Văn Lực vẫn bình tĩnh tìm ra quy luật vô lý để xử lý đến thấu tình đạt lý. Mỗi doanh nhân ở Việt Nam ta không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt khung pháp lý mà còn rất hiểu biết đạo lý ở đời, cả những sự phi lý để biết cách tự vượt qua. Chúng ta thường hay nhìn thấy sự xa hoa, hào nhoáng, xủng xoảng kim tiền của doanh nhân mà đâu biết những nỗi khổ gan óc lầy đất thập diện mai phục của họ. Một xã hội muốn cường thịnh, một đất nước muốn phát triển bền vững phải biết mời gọi và sử dụng có hiệu quả những doanh nhân lớn, phải biết đánh thức lòng tự trọng, tự tôn của các doanh nhân. Chúng ta hãy thẳng thắn ghi nhận và tôn vinh đúng đắn những giá trị đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông vẫn chảy bên trời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO