Sống 'vất vưởng' trong Làng thanh niên lập nghiệp

Quảng Nghĩa 14/10/2015 18:55

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân được thực hiện tại 2 xã Trường Xuân, Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Những tưởng dự án sẽ mang lại sức sống mới cho một vùng đất và đem lại cơ hội đổi đời cho nhiều hộ gia đình thì giờ đây làng lại thưa vắng bởi những khát khao chính đáng chưa thành hiện thực.

Số gia đình bám trụ lại làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân ngày càng ít dần.

Chậm cấp sổ đỏ

Vài năm trước đây, nhắc đến Trường Xuân là nhắc tới một vùng đất khắc nghiệt bởi núi rừng thâm u, đường sá xa xôi cách trở. Thế nhưng, khi dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) được Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng kinh tế tỉnh Quảng Bình triển khai, vùng đất phía tây huyện Quảng Ninh đã thay da, đổi thịt bằng chính sự kết tinh từ sức trẻ, khát vọng cống hiến, yêu lao động của những con người tiên phong, những thanh niên tình nguyện…

Dự án với tổng vốn đầu tư 31 tỉ đồng, trên diện tích đất tự nhiên 1.363 ha. Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành vào năm 2012, Làng TNLN được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở khu dân cư mới cho 100 hộ gia đình trẻ, trồng mới 300 ha cao su và cây công nghiệp ngắn ngày.

Con số 100 hộ dân là mục tiêu của đề án nhưng đến nay, theo báo cáo của Tổng đội TNXP đã tuyển được 58 hộ di dân lập nghiệp, trong đó có 42 hộ hoàn thành việc xây nhà. Nhưng một số con số thực tế khác đã được đưa ra trước khi chúng tôi đến thăm Làng TNLN khi được ông Trần Văn Anh– Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định: khoảng 34 hộ.

Tuy nhiên có đến thực tế tại Làng TNLN Trường Xuân sau 3 năm dự án kết thúc mới cảm nhận bên cạnh những khu rừng cao su xanh tốt đang mọc lên thì vẫn còn đó một sự hoang vắng. Nhiều mảnh vườn là nơi thả bò còn nhà là nơi cột, nhốt bò của nhà khác. Như vậy, con số những gia đình còn bám trụ với nơi này còn ít hơn con số ông Trần Văn Anh đã cung cấp cho chúng tôi.

Gặp anh Lê Văn Hoàng khi đang cắt cỏ chăn bò, anh chia sẻ, ngày trước nhà anh ở dưới vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, hưởng ứng theo lời động viên của Tổng đội TNXP, gia đình anh cũng như nhiều gia đình trẻ khác hăm hở lên vùng đất Trường Xuân này với mong muốn khai hoang mở đất ở một vùng đất còn nhiều gian khó, khắc nghiệt. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ còn mình anh ở lại nơi này để chăm mấy héc ta cao su, vợ con phải về tá túc nhà nội ngoại để cho các cháu đi học.

-Làng chỉ có lớp mầm non, chưa có cấp tiểu học, muốn cho con đi học thì rất xa, gia đình chúng tôi không có điều kiện đưa đón nên đành phải mỗi người một nơi như thế này. Nhưng cứ tiếp tục như thế này thì không ổn- anh Hoàng nói.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Xứng- một cán bộ của Tổng đội TNXP, được biết, đứa con lớn của gia đình anh cũng đang gửi ông bà dưới xuôi để vợ chồng tập trung làm kinh tế. Gia đình anh Xứng là một trong những hộ đầu tiên đến Làng TNLN đợt đầu từ năm 2010, được hỗ trợ tiền xây dựng nhà 10 triệu đồng theo chế độ Nhà nước, được giao đất trồng rừng cao su và cây lâm nghiệp. Gia đình anh cũng như nhiều hộ khác còn được hỗ trợ giống rau màu, vật nuôi… Nhưng nay theo anh Xứng, dự án đã kết thúc nên các hộ tự lo cuộc sống.

Điều mà anh Xứng, anh Hoàng cũng như phần lớn các hộ ở đây băn khoăn, trăn trở là chưa có sổ hộ khẩu và 100% các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy một số quyền lợi công dân chính đáng và hợp pháp bị ảnh hưởng, một đứa trẻ sinh ra cũng không thể làm được giấy khai sinh đúng địa chỉ.

Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị, Tổng đội cũng đã nhiều lần liên hệ với chính quyền các cấp để giải quyết dứt điểm cho người dân, nhưng đến nay, nguyện vọng chính đáng của người dân vẫn chưa được xử lý, nhiều hộ đã hết kiên nhẫn nên phải rời làng.

Cấp sổ đỏ là việc của chính quyền

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn Tổng đội trưởng TNXP cho rằng, “cấp hộ khẩu và sổ đỏ là việc của chính quyền địa phương”.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đến Tỉnh đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Bình, ông Trần Quốc Tuấn- Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Theo văn bản số 2474/TB-VPUBND ngày 29-12-2014 do Phó chánh văn phòng Nguyễn Xuân Khiều ký, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Bình nêu rõ: “Đối với đề nghị thành lập bộ máy tự quản thôn, sáp nhập Làng TNLN Trường Xuân với thôn khác, UBND tỉnh giao UBND huyện Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh”.

Như vậy sau 9 tháng có chỉ đạo, UBND huyện Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thành được việc cấp hộ khẩu, sổ đỏ cho các hộ dân.

Trao đổi với ông Phạm Trung Đông- Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh qua điện thoại được biết, huyện đang chỉ đạo xã triển khai. Còn câu hỏi “bao giờ xong” thì chưa nhận được kết quả cuối cùng.

Hy vọng rằng sau khi chính quyền đã lưu tâm và bắt tay vào triển khai, những tháng ngày dài mòn mỏi mong ngóng sổ đỏ của người dân ở làng thanh niên Trường Xuân sẽ không còn xa nữa. Giấc mơ được an cư lạc nghiệp và có đủ điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, sớm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài nơi mảnh đất vốn đã quá khắc nghiệt này…của người dân Làng TNLN Trường Xuân sẽ sớm trở thành hiện thực.

Các hộ trong Làng TNXP Trường Xuân trăn trở là chưa có sổ hộ khẩu, 100% các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy một số quyền lợi công dân chính đáng và hợp pháp bị ảnh hưởng, một đứa trẻ sinh ra cũng không thể làm được giấy khai sinh đúng địa chỉ. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, Tổng đội cũng đã nhiều lần liên hệ với chính quyền các cấp để giải quyết dứt điểm. Nhưng đến nay, nguyện vọng chính đáng đó vẫn chưa được giải quyết, nhiều hộ hết kiên nhẫn đã phải rời làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống 'vất vưởng' trong Làng thanh niên lập nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO