Sốt đất và những chiêu thổi giá

H.Hương 18/03/2021 06:35

Nhiều nơi như ở thị trấn Bích Động (Bắc Giang), huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) hoặc là thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)… đang chứng kiến cảnh giá đất tăng từng ngày. Tình trạng sốt ảo cục bộ dẫn đến lo ngại về bong bóng bất động sản, trong khi “cò” đất liên tục tung ra những chiêu trò “thổi giá”.

Quảng cáo và “cò” làm nóng giá đất nhiều nơi.

Sau khi có thông tin chính thức xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, theo giới cò đất ở đây, hiện đất ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, Bình Thuận) bùng lên cơn sốt đất nền. Các lô đất mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, Mũi Né có giá từ 7-11 triệu đồng/m2 nay đã được cò mồi rao bán tăng tăng 20-25 triệu đồng/m2 và dự báo còn cao hơn nữa.

Toàn thị trường tăng giá

Trong khi đó, ở thành phố Hà Nội, đất nền khu vực Hoài Đức, Đan Phượng cũng vào guồng tăng giá. Giá đất nền trong khu vực dân cư được chủ đất giới thiệu 30 triệu đồng/m2 tăng 20% so với thời điểm giữa năm 2020.

Còn tại Bắc Giang, đất tăng theo ngày. Theo một cò môi giới BĐS mức tăng 15%- 20% sau khi hoàn thành thủ tục so với thời điểm đấu giá đất. Chẳng hạn 1 lô đất ven đường quốc lộ 37 (địa phận thị trấn Bích Động – huyện Việt Yên) một lô đất có giá 2,5 tỷ đồng sau khi hoàn thiện giấy tờ vào tháng 12/2020 đã được trả ngay với giá 3 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại có giá 3,6 tỷ đồng.

Điều đáng bàn là, không chỉ bùng lên cơn sốt đất nền, mặt bằng chung cư cũng tăng giá. Giá các dự án chung cư giao động từ 30 – 40 triệu đồng/m2. Trong cơ cấu nguồn cung chào bán ra thị trường, căn hộ giá thấp không còn xuất hiện, nhiều dự án thuộc phân khúc bình dân trước đó đều bị đẩy giá tương đương phân khúc trung – cao cấp. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp...

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định, “sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của Dự án cho phù hợp. Điều này là bất thường khi không phản ánh đúng giá trị của BĐS”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên nhân khiến giá BĐS trong thời gian qua tăng cao ngoài vấn đề nguồn cung hạn chế còn do chi phí triển khai dự án ngày càng tăng. Doanh nghiệp hiện nay vì yếu tố chi phí, thủ tục và lợi nhuận nên chỉ chú trọng phát triển phân khúc nhà cao cấp, bỏ qua thị trường nhà bình dân.

Trước đây, giá nhà Hà Nội luôn cao hơn TP HCM, nhưng hiện giá nhà TP HCM vượt xa Hà Nội. Giá bán nhiều dự án tại TP HCM bị đẩy lên mức cao, thấp nhất cũng 30 triệu đồng/m2 trong khi chất lượng vẫn ở tầm “bình dân”. Việc tăng giá bán sơ cấp này có nhiều trường hợp là do chi phí phát triển dự án gia tăng qua các năm khiến chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán theo. Tuy nhiên, cũng không ít chủ đầu tư lợi dụng thời điểm thị trường khan hiếm mà té nước theo mưa.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 2 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản ở nhiều địa phương vẫn đang tăng chóng mặt. Có nhiều khu vực, giá đất tăng trên 10% so với cùng thời điểm năm 2020.

Thị trường BĐS tăng đột biến trong năm 2021.

Tăng giá theo đội lái

Chuyện giá đất tăng từng ngày không chỉ mới diễn ra đầu năm 2021 mà trước đó năm 2020 xảy ra một số cơn sốt đất chưa từng có. Giá đất nền tại một số vùng ven TP HCM, quanh Hà Nội nóng 1 - 2 tháng rồi lại nguội. Bởi có quy hoạch nào được thông qua được phê duyệt thì lập tức, một đội lái nhảy vào mua đi bán lại đẩy giá lên cao.

Đáng nguy hiểm hơn, nhiều đội cò đất còn tự vẽ ra dự án để thổi giá, trục lợi. Điển hình nhất là khu vực đất Quốc Oai, Hà Nội, dân môi giới lan truyền một văn bản với nội dung Tập đoàn lớn xin đầu tư 2 dự án lớn trên địa bàn Phú Mãn, Quốc Oai, Hà Nội. Và lập tức ngay đầu năm 2021, giá đất tại khu vực được đẩy lên. Song đây thực chất chỉ là thông tin “ảo”, giới môi giới “ hóng” và tạo nên, từ đó dụ các con buôn “tham tiền” vào. Giá đất sẽ được đưa lên đỉnh để đội môi giới bán. được tạo ra chỉ để 1 nhóm đối tượng trục lợi.

Nhiều phân tích còn chỉ ra, các cơn sốt đất thực chất là chỉ là cuộc chơi của cò đất. Ai nhảy vào trước thì được lợi nhiều, ai vào sau thì thua thiệt thậm chí lỗ.

Chưa hết, anh N.H.T. (ở phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) kể với phóng viên, cuối năm 2020 anh đi mua nhà, sau bao công lặn lội đến tham quan nhà trực tiếp tại toà nhà chung cư. Cuối cùng anh cũng vừa ý với 1 căn hộ nằm trên đường Lương Yên, thế nhưng anh không tài nào kết nối trực tiếp được với chủ nhà. Căn hộ anh mua, phải qua môi giới với giá 4,8 tỷ/ căn 98 m2. Tính ra mỗi m2 có giá gần 49 triệu.

“Chỉ đến khi làm thủ tục sang tên căn hộ tôi mới được gặp trực tiếp chủ nhà tại phòng công chứng, và biết giá tôi mua bị chênh rất nhiều” – anh N.H.T. nói.

Và câu chuyện của anh N.H.T. kể tương tự với hiện trạng đang diễn ra, một mảnh đất nền được cò mồi xoay vòng nhiều lần khiến cho giá đất tăng đột biến.

Một trường hợp khác là chị Hạnh (Giảng Võ) kể chuyện, năm 2017 chị chuyển công tác từ Hà Nội vào Nha Trang. Trong năm đó chị bay vào Nha Trang nhiều lần để tìm mua đất thì được giới thiệu tới “bến du thuyền”. Đáng ngạc nhiên, cùng một mảnh đất, liên tục được môi giới đẩy giá, giá tháng sau khác giá tháng trước.

Nha Trang cũng là địa phương từng có những cơn sốt đất nóng hầm hập vào năm 2017, 2018.

Theo phân tích, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

Xảy ra bong bóng BĐS?

Về tình trạng BĐS tăng giá, dư luận lo ngại về một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị nghiên cứu, quản lý, vận hành các dự án BĐS, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nói, bong bóng BĐS chỉ được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát. Thực tế hiện nay, các ngân hàng không cho vay nếu thiếu cơ sở và thiếu lý do hợp lý. Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu, và nhu cầu đang tăng.

Ông Matthew nhìn nhận, ở góc độ giá nhà và giá đất, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người không phải ai cũng có thể theo kịp giá BĐS gia tăng. Bởi vậy, doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các sản phẩm nhà ở bình dân và dành cho người có thu nhập thấp. Điều quan trọng là người mua có thể tiếp cận thị trường một cách hiệu quả, khi đó, ta có một sân chơi thương mại để giá nhà được thúc đẩy bởi nhu cầu mua, chứ không phải tăng “nóng” ở một số khu vực.

Theo giới chuyên gia, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn - đa phần người dân ở đây thiếu tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và phổ quát - sẽ giúp cho việc tránh xảy ra những bong bóng nhà đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt đất và những chiêu thổi giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO