Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Hương Giang 27/07/2019 08:00

Tính đến hết tháng 6, cả nước đã ghi nhận gần 88.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH). Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam nhưng tại Hà Nội số người mắc SXH cũng đang có chiều hướng gia tăng. Số ca SXH tăng nhanh nhưng điều đáng lo ngại là nhiều người còn chủ quan, nhận thức sai lầm trong phòng, điều trị bệnh.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Nỗ lực phòng sốt xuất huyết.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc mới SXH. Bệnh nhân liên tục tăng cao trong những tuần gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 1.544 ca SXH tại 30 quận, huyện. Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này, dịch SXH đã vào mùa. Thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 820 trường hợp mắc SXH, tập trung chủ yếu ở các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm.

Từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca nhập viện cũng như điều trị ngoại trú do mắc SXH gia tăng hàng tuần, tăng 40% so với tháng 5/2019. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận 24.768 ca mắc SXH, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca) và đã có 5 trường hợp tử vong (3 người lớn, 2 thiếu niên). Tại các bệnh viện trên địa bàn, số ca bệnh SXH nhập viện điều trị đang tăng nhanh. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh), những ngày gần đây, số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của lãnh đạo bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, khuynh hướng bệnh SXH năm nay đến sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, mỗi ngày điều trị nội trú cho 50 - 60 bệnh nhi, trong đó có một số trường hợp trẻ gặp biến chứng sốc do SXH gây ra.

Đặc biệt, năm nay có rất nhiều ca mắc SXH là người lớn, nguyên nhân là do bệnh nhân chủ quan, khi thấy sốt thì tự mua thuốc về điều trị đến khi bệnh nặng mới nhập viện cấp cứu. Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, một số người do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ, bệnh nặng nên khó có cứu sống.

Theo các bác sĩ, người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, tình trạng sốt kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đặc biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức mắt thì cần phải đến bệnh viện sớm, bởi đây là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết. Thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu nhiều. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, nhiều người bệnh cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng, cần được theo dõi. Nguy hiểm nhất là biến chứng sốc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...

TS Bùi Vũ Huy- Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới trung ương lưu ý, khi có 5 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng dưới đây thì người dân cần đến ngay bệnh viện: Tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì. Nôn tăng. Tự dưng kêu đau bụng hoặc tăng cảm giác đau. Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn. Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam... Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO