Sự đồng hành của người Mặt trận

T.H. 18/11/2016 10:10

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thổi ngọn gió mát lành đến các thôn xóm, bản làng. Nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đã được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Tại các địa phương đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, xuất hiện những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Đời sống người dân đổi thay từng ngày…

Sự đồng hành của người Mặt trận

Ảnh minh họa.

Tính đến nay, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã so với cuối năm 2015; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn.

Để có được thành quả trên, đồng hành cùng với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn nỗ lực hết mình trong mọi công tác phối hợp vận động, tuyên truyền người dân tham gia, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là trong thực hiện tiêu chí thứ hai trong bộ tiêu chí quốc gia - Tiêu chí giao thông.

Họ - những người cán bộ Mặt trận luôn vận động gia đình, người thân làm gương để bà con noi theo. Và trong triển khai thực hiện, luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể tại địa phương.

Phát huy vai trò làm chủ của người dân trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ việc lập kế hoạch, phê duyệt dự án, tổ chức thi công, giám sát, theo phương châm “Người dân phải được góp ý, phản biện và quyết định trong hầu hết các nội dung, công việc, các bước tiến hành trong thực hiện chương trình”.

Theo bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp thì để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có rất nhiều kinh nghiệm hay. Cụ thể, MTTQ tỉnh đã đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều nơi như Bình Chánh, Củ Chi (TP HCM), từ đó xác định rõ xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi hộ gia đình, gắn với các cuộc vận động trên địa bàn, phát huy được nguồn lực trong dân.

“Thực tế cho thấy, ý thức người dân quyết định sự thành công của các cuộc vận động, xây dựng NTM. Làm sao để dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung. Vai trò của Mặt trận là vận động để nhân dân tham gia tự nguyện, thấy được vai trò của mình. Như vậy sẽ thành công”, bà Nghiệp nêu.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lập (Phú Thọ) Bùi Hồng Hoàng đã chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cụ thể như MTTQ huyện tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng như qua đài truyền thanh huyện và hệ thống loa truyền thanh tại các xã, qua các băng zôn, khẩu hiệu, áp phích.

Cùng với đó, là vận động các gia đình đảng viên tích cực, gương mẫu để các gia đình khác làm theo. Nhờ đó, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã hiểu về mục đích, ý nghĩa, nội dung và cùng nhau chung tay góp sức với cấp uỷ, chính quyền địa phương phấn đấu xây dựng NTM…

Cùng với đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên luôn tích cực đi đầu trong việc vận động nhân dân tham gia ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các ngành nghề, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án để giảm nghèo.

Tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp tiền của, đất đai, ngày công; giám sát thực hiện công khai, minh bạch hay phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm;…

Không ai khác chính các cán bộ Mặt trận luôn đứng ra làm cho dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích thiết thực của mình, dân là người làm chủ quá trình xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự đồng hành của người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO