Sử dụng hiệu quả vốn trung, dài hạn

H.H. 15/11/2018 08:30

Nhiều dự án sử dụng vốn vay không hiệu quả đã dẫn đến những áp lực nhất định trong việc phân bổ vốn. Chưa kể còn nhiều tồn tại trong việc phát triển thị trường vốn và tài chính.

Thời gian qua đã chỉ ra thực tế, nhiều địa phương cũng như nhiều bộ, ngành đã “vẽ” ra các dự án khủng để xây dựng. Đáng bàn hơn, nhiều dự án phải sử dụng vốn vay, vốn đối ứng kéo dài thời gian xây dựng đã dẫn đến đội vốn. Tình trạng thất thoát vốn ngân sách nhà nước (NSNN) xảy ra. Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhiều dự án xây dựng đường cao tốc phát triển hạ tầng giải phóng mặt bằng chậm và năng lực, cách điều hành của các Ban quản lý dự án ở Trung ương và địa phương, nhất là ở địa phương, thường không cố định, hay thay đổi dẫn đến việc nguồn vốn bố trí không theo được kế hoạch.

Trong báo cáo góp ý của Bộ Tài chính cho Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ về Hợp đồng xây dựng”, cơ quan này muốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối ứng. Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi quy định về tạm ứng hợp hợp đồng xây dựng theo hướng: Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng và phải phù hợp với phân kỳ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp hợp đồng và khối lượng thực hiện từng năm. Theo đó, mức vốn tạm ứng và số lần tạm ứng được phân định rõ theo từng năm phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng trong năm tương ứng. Đồng thời, tổng mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Bộ Tài chính cũng lưu ý, trường hợp đặc biệt cần tạm ứng ở mức cao hơn thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, cần giảm tình trạng chiếm dụng vốn trong suốt quá trình thực hiện dự án và gắn việc tạm ứng vốn với tiến độ thực hiện hợp đồng hàng năm. Ngoài ra, Bộ Tài cũng thể hiện quan điểm rằng, không nên quy định mức tạm ứng tối thiểu đối với các hợp đồng thực hiện dự án sử dụng NSNN. Riêng về thu hồi tạm ứng, Bộ Tài chính đề xuất có thêm quy định: Vốn tạm ứng nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm phải thu hồi mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc khi phát hiện nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho NSNN.

Giới chuyên gia cho rằng cần tăng cường giám sát thị trường, nuôi dưỡng lực lượng trung gian thị trường thúc đẩy và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, gồm những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, xây dựng mạng lưới an toàn cho các nhà đầu tư...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng hiệu quả vốn trung, dài hạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO