Sự kỳ lạ của những đám mây

Bích Quyên (Theo Daily Star) 08/07/2016 18:26

Nhìn lên bầu trời, đôi khi người ta giật mình về những đám mây bởi nó tạo ra những hình ảnh kỳ lạ. Có khi nó giống một con gấu, cũng có khi nó giống như... địa ngục, lại cũng có khi nó làm người ta bồn chồn lo ngại một điều gì đó khó cắt nghĩa. Vì sao lại như thế? Câu trả lời đó vẫn là sự bí ẩn của thiên nhiên.

Đám mây kỳ lạ xuất hiện tại đảo núi lửa Amsterdam trên Ấn Độ Dương.

1. Người ta nhận ra rằng, trước khi bão đổ bộ thường xuất hiện hiện tượng “mây sóng thần”. Điều đó được mô tả như sau: bầu trời đầy mây dày ngồn ngộn như sóng thần đảo ngược lên trời. Ngay sau khi “mây sóng thần” xuất hiện là mưa lớn, gió giật mạnh, đôi khi có cả mưa đá. Theo giới khoa học, mây sóng thần hình thành do luồng khí lạnh từ cơn bão đang lớn dần lên, tạo ra độ ẩm cao của không khí. Mưa từ cơn bão rơi xuống theo chiều thẳng đứng kéo theo không khí lan ra theo chiều ngang đã tạo thành cuộn mây phía trước.

Người xưa không giải thích được hiện tượng thiên nhiên là những đám mây, cho nên họ cho rằng đó là những điềm báo. Ngay cả sau này, khi khoa học phát triển, thì người ta vẫn “trông trời, trông đất, trông mây” để đoán định điều gì sẽ xảy ra. Ví dụ, với những đám mây dạng thấu kính chỉ xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, tạo thành những khối mây dạng bông xốp, xếp tầng, rất giống những chiếc đĩa bay. Nhiều người phát hoảng tưởng chúng là “vật thể lạ”- UFO từ hành tinh khác đến. Đặc biệt, chúng lại là dấu hiệu báo trước về sự thay đổi của thời tiết, gây ra như gió bão, lụt lội, nên chúng lại càng làm con người khiếp sợ.

Với mây vảy rồng, chúng xếp chồng lên nhau, báo hiệu những trận sấm sét kể cả lúc trời nắng chang chang. Các hãng hàng không đều cảnh báo máy bay không nên bay vào vùng trời có những đám mây này, bởi nhiễu động không khí là không thể báo trước.

Người ta cũng rất sợ những đám mây “xà cừ”, chúng tồn tại ở độ cao 15.000 - 25.000m, chúng như những tấm màng mỏng, cuộn lại rồi bung ra, thường xuất hiện khi nhá nhem sáng tối, có nghĩa là lúc cuối giờ chiều. Mây xà cừ là một dấu hiệu của trái đất ấm lên do hiệu ứng nhà kính. “Đây là hiện tượng mây do con người gây ra, nó cũng cảnh báo mức độ nguy hiểm đối với trái đất”- hai nhà khoa học Lord Kelvin và Hermann von Helmholtz (người Đức) nhận xét. Cũng theo hai nhà khoa học này, mây dạ quang là một hiện tượng khá hiếm, xảy ra ở phần trên của khí quyển trái đất. Nó được hợp thành từ các tinh thể nước đá và chỉ có thể nhìn thấy khi được chiếu sáng bởi ánh sáng Mặt trời từ phía dưới đường chân trời. Đây là dạng mây cao nhất trong khí quyển, ở cao độ từ khoảng 76 - 85km, thậm chí là 100km. Tuy chúng không trực tiếp tác động tới trái đất nhưng khi chúng xuất hiện “lỗ mây” thì cần phải cảnh giác. Lỗ mây là một khoảng trống hình tròn lớn xuất hiện trong các đám mây, chúng hình thành khi nhiệt độ nước trong mây thấp hơn điểm đóng băng nhưng nước vẫn chưa đóng băng. Khi máy bay bay vào lỗ mây thì thảm họa rất có thể sẽ đến.

Đám mây nhiều màu sắc trên bầu trời Costa Rica.

2. Giới thiên văn học cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp mây rất kỳ lạ.

Vào ngày 23-6-2015, Hãng tin UPI (Mỹ) đưa tin theo nguồn Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) rằng, đã phát hiện mây dạ quang phát sáng vào ban đêm. Chúng xuất hiện trong sắc thái khác nhau từ xanh nhạt đến trắng, nhìn vô cùng kỳ quái. Mây dạ quang lần đầu tiên được ghi nhận vào giữa những năm 1800, sau vụ phun trào núi lửa Krakatau ở Indonesia phát tán rất nhiều tro bụi vào bầu khí quyển. Đáng sợ là mây dạ quang chỉ xuất hiện khi hiệu ứng nhà kính tập trung vào một điểm nào đó, cho thấy bầu khí quyển cũng đã bị ô nhiễm.

Còn tại đảo núi lửa Amsterdam nằm ở Ấn Độ Dương, cách đất liền khoảng 3.200km, do đỉnh núi nhô cao khỏi mặt biển chừng 800 mét nên những đám mây lang thang qua đó bị ngăn lại, tạo ra những hình thù kỳ quái, giống như kiểu gợn sóng, vì thế người ta gọi là “mây sóng”. Nhưng quan trọng là chúng phát đi thông điệp gì? Không có câu trả lời, nhưng người ta nhận thấy rằng sau khi mây sóng xuất hiện thường dông lốc nổi lên rất dữ dội, chúng cũng gây nhiễu loạn nghiêm trọng cho máy bay bay qua khu vực đó.

Cách đây hơn 3 tháng, tại vùng Hertfordshire của nước Anh, bầu trời đầy mây bao phủ không khác gì một cảnh trong phim kinh dị. Cho dù nó được cho là vô hại nhưng người dân vẫn không thôi hoảng hốt. Bức ảnh do một người có tên là Ian Pattison chụp được ở vùng St. Albans, Hertfordshire về loại mây kinh dị này khiến anh rất nổi tiếng. Nhất là sau đó, mưa trút xuống dữ dội kèm theo sấm chớp rền vang.

Còn ở Sydney của nước Úc, cũng trong thời gian ấy cũng xuất hiện một đám mây kỳ quái giống như một cuộn sóng khổng lồ. “Chúng tiến vào thành phố một cách từ từ, đem lại nỗi sợ hãi ngày một lớn cho cư dân thành phố. Nhiều người đang lái xe trên đường hoảng sợ đến độ bỏ cả ôtô chạy trốn”- truyền thông Sydney đưa tin dẫn lời của một người tên là Hannah Murphy. Người này mô tả, “Đứng trên bờ biển bạn sẽ thấy nó giống như một cơn sóng thần từ đại dương tiến vào sắp nuốt chửng chúng ta”. Sau đó, Cục khí tượng Australia đã đưa ra cảnh báo bão nguy hiểm, thúc giục người dân ở trong nhà và tránh xa cửa sổ, rút các phích cắm điện và tránh sử dụng điện thoại. Nhưng, cơn bão đã không đến.

Cuối cùng, có thể kể về một đám mây nhiều màu sắc kỳ lạ bất ngờ xuất hiện trên bầu trời Costa Rica cách đây chưa đầy 2 tuần, khiến nhiều người cho rằng “ngày tận thế” sắp đến. Đó là một đám mây với nhiều màu sắc rất kì lạ, đến nhanh một cách không ngờ, tồn tại trên bầu trời cả chục phút. Một người đàn ông có tên là Joey Petit nói với các nhà báo rằng, khi ông và gia đình đang đi chơi ở Escazu thì con trai 11 tuổi của ông nhìn thấy đám mây kỳ lạ. “Chúng tôi không biết đó là gì và cũng chưa từng nhìn thấy đám mây nào như vậy. Có thể đó là sự nổi giận của ông trời chăng?”- ông Joey nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kỳ lạ của những đám mây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO