Sửa Luật Giáo dục cho phù hợp với thực tiễn

Mạnh Dũng 22/09/2017 09:35

Sáng 21/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh Niên).

Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2005 còn Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2012. Đến nay một số nội dung của cả hai Luật này đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do đó, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng dự án Luật Giáo dục để phân loại những nội dung trong các điều còn bất cập, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm tính tổng thể các điều của luật sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Nội dung chỉnh sửa, bổ sung trong dự án Luật Giáo dục sẽ tập trung vào bảy vấn đề theo 3 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua. Dự án Luật Giáo dục mới sẽ được soạn thảo theo hướng luật khung, quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, cơ bản từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, vấn đề nhà giáo, bảo đảm chất lượng...

Được biết, Bộ GD&ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH vào năm 2018.

Tại hội thảo này, ông Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Luật Giáo dục hiện hành cần được điều chỉnh và bổ sung một số điều, chủ yếu rơi vào hai cụm vấn đề: Cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 và Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Về việc sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, bà Hoàng Xuân Sính- chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Thăng Long phân tích: Hiện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang có nhiều vấn đề được đặt ra. Các trường ĐH, CĐ công lập dù thiếu sinh viên vẫn có thể tồn tại do phương tiện và nhân lực còn được bao cấp. Nhưng các trường ngoài công lập chỉ có nguồn tài chính từ học phí của sinh viên; khi số sinh viên giảm đi và học phí không đủ để trang trải chi phí thường xuyên, cổ đông sẽ phải đóng thêm tiền và việc đóng góp thêm này sẽ không thể kéo dài. Do đó để giải quyết tình trạng một số trường ĐH ngoài công lập đang bị mua đi bán lại trước bờ vực của phá sản đòi hỏi phải có Luật Phá sản cho các trường này.

Theo kế hoạch, đến ngày 28/9, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo này tại Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa Luật Giáo dục cho phù hợp với thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO