Sửa Luật, tạo hành lang pháp lý cho ngành dầu khí phát triển

M.Loan 13/06/2022 20:50

Chiều 13/6, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện thể chế- đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển”.

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) lần đầu được trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận trước Quốc hội. Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan sẽ giúp "mở cánh cửa mới" cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung.

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập và được cho là “trói tay” khiến ngành dầu khí khó khăn trong thu hút đầu tư nhất là đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng.

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành.

Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc quy định nhưng chưa bao trùm được một số vấn đề thực tế mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, các chủ thể liên quan được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các Luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí nên rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.

Mặt khác, quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành trong một số trường hợp chưa phù hợp với quy định của các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước đó hoặc không thống nhất, đặc biệt là các quy định có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh, tiềm ẩn các rủi ro pháp lý.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định ngành dầu khí có vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu và với Việt Nam thì dầu khí vẫn có đóng góp quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hội nhập phát triển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%, 10 - 13% GDP cả nước). Chúng ta đã xây dựng được một công nghệ dầu khí tiên tiến.

“Yêu cầu sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phát huy vai trò của ngành dầu khí trong sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển; nó trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sớm khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên này”.

Nói thêm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, dầu khí là một ngành kinh tế vốn chịu nhiều rủi ro. Rủi ro về kỹ thuật. Rủi ro về thị trường. Rủi ro thiên tai cực đoan. Vì thế, chuyên gia này cho rằng, ưu đãi với ngành dầu khí là cần thiết nhằm tạo ra sự định hướng, sự hấp dẫn cho các dự án, các nhà đầu tư cũng như tăng cơ sở để tăng quyết tâm đầu tư. Những ưu đãi hiện nay đã phù hợp với một số rủi ro.

"Tuy nhiên, khi xuất hiện những rủi ro mới, đặc biệt rủi ro về chính trị, địa chính trị thì cần sửa đổi luật để có những ưu đãi mới, giảm rủi ro cho ngành dầu khí. Và, Luật Dầu khí vì thế cần được làm mới thường xuyên. Luật phải cập nhật yêu cầu sự phát triển của ngành, nhằm đảm bảo sự tương thích và tính thực tiễn của luật", chuyên gia này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa Luật, tạo hành lang pháp lý cho ngành dầu khí phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO