Sức khỏe mùa thi: Sáng mệt, trưa ủ rũ, chiều thiếu tập trung, tối mỏi

Văn Minh 15/05/2016 14:05

Kỳ thi vào THPT và đại học đang đến gần. Học sinh và phụ huynh cùng lo lắng. Có khá nhiều những sai lầm mà các sĩ tử hay gặp phải trong quá trình ôn thi, trong đó có việc học quá sức. Chính những sai lầm này dẫn đến kết quả bài thi không được như mong muốn.

Ôn luyện quá sức dẫn đến tình trạng mệt mỏi.

85% sĩ tử rơi vào tình trạng căng thẳng

Mới đây trong bài viết xuất hiện trên truyền thông với 8 thỉnh cầu gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền (hiện đang giảng dạy tại một trường THPT ở TP HCM) có thỉnh cầu đầu tiên là: “Xin Bộ trưởng hãy nhìn vào học sinh lớp 12 trong giờ học. Có được một kẽ hở thời gian nào là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô; học ở nhà; học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng, để rồi khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Ôm mớ kiến thức ôm đồm, nhưng ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu.

Suốt ngày các em bị giam trong cái “vòng kim cô” của việc học, mà không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình. Nếu có biết cũng chỉ lơ mơ vì không có thời gian. Nhận thức các vấn đề xã hội một cách ấu trĩ. Để rồi khi ra đời các em lại thiếu những kỹ năng cần thiết nhất: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết cách bảo vệ mình; không biết bênh vực cái tốt. Và trước cái ác, cái xấu cũng không dám lên tiếng phản đối”.

Thỉnh cầu của cô giáo tâm huyết với nghề này đã nói đúng tâm lý xã hội hay nói cách khác là đã làm thức tỉnh bao gia đình lâu nay cùng con em mình hối hả, oằn mình trong cuộc đua mà kẻ thắng và người bại đều mệt mỏi, xã hội căng thẳng.

Cái nóng bức của những ngày tháng 5 tăng lên cùng với không khí của kì thi THPT quốc gia và kì thi vào cấp 3 đang dần nóng lên. Những ngày này ở khắp mọi nơi, từ các sĩ tử đến các thầy cô và các bậc phụ huynh đều trong tình trạng nước sôi lửa bỏng. Các bậc phụ huynh đang đôn đáo tìm hiểu điểm chuẩn của các trường năm ngoái, tìm thầy giỏi luyện thi và lo lắng chăm sóc sức khỏe cho con trong những ngày thi cận kề.

Không chỉ bố mẹ lo lắng, các sĩ tử cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực từ việc phải đỗ vào trường đại học mình mong muốn, áp lực trước những kì vọng của gia đình và thầy cô khiến các em luôn trong tình trạng căng thẳng. Theo thống kê của ngành y tế 85% các sĩ tử trong giai đoạn ôn thi rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh.

Những áp lực tinh thần cộng với việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn khiến các em rơi vào tình trạng thường xuyên “nhớ nhớ quên quên”. Điển hình của việc này là nhiều em ôm quyển sách cố học nhưng không được chữ nào vào đầu hay học trước quên sau. Và khi rơi vào tình trạng này nhiều em học sinh càng thêm hoảng loạn tinh thần.

Thu Hà- học sinh lớp 9 trường Nguyễn Phong Sắc, quận Hai Bà Trưng lo lắng: Không chỉ em mà hầu hết các bạn học sinh đều tham gia hầu hết các buổi ôn luyện ở trường, ở nhà thầy cô, rồi có bạn học thêm cả ở ngoài. Nhiều lúc mệt quá, bài học qua rồi khi ôn lại vẫn thấy như mới. Khoảng cách giữa các ca học chỉ khoảng hơn một tiếng, vì thế ăn uống rất vội và mệt. Chẳng biết ôn luyện thế rồi lúc thi có làm bài tốt không, em lo lắm!...

Chị Minh Tuyết- có con đang ôn thi đại học thì chia sẻ: Những năm gần đây nhiều chuyên gia giáo dục đã phân tích đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời nhưng là tiền đề cho định hướng, chuẩn bị những nền tảng cho sự trưởng thành. Vì thế gia đình vẫn cùng con ôn luyện hết tốc lực, cha mẹ không học hộ được thì cố gắng thu xếp thời gian đưa đón con hay lo tẩm bổ cho con thôi. Thấy con oải quá, đôi lúc cũng lo mà không biết làm sao.

Cần một thái độ ôn thi tích cực, lạc quan

Tư vấn cho các sĩ tử trước kỳ vượt vũ môn, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thông- Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam phân tích: Não cần phải tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin một cách có hệ thống. Một lượng thông tin ào ạt, tới tấp sẽ khiến não bộ bị quá tải và kém minh mẫn do các trung khu vỏ não bị suy giảm chức năng tập trung.

Thêm vào đó thói quen thức đêm, thiếu ngủ, thậm chí có những em học sinh thức trắng đêm ngày ngủ bù trong quá trình ôn thi cũng khiến cơ thể và não bộ mệt mỏi không thể dung nạp thêm kiến thức. Kết quả của cả một quá trình dài ôn thi nói trên khiến các sĩ tử lúc nào cũng trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, kém tập trung, hay quên.

Còn theo Phó giáo sư, bác sĩ Chu Quốc Trường- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thì vào mùa thi, tình trạng thiếu tỉnh táo, đau đầu, chóng mặt kém tập trung, học mãi không vào,... xuất hiện ở rất nhiều sĩ tử, khiến cho việc học của nhiều sĩ tử không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo BS, thường trong những giai đoạn căng thẳng, tập trung như khi ôn thi, tế bào não hoạt động liên tục với cường độ gấp 2 lần so với bình thường, đòi hỏi năng lượng rất lớn. Chính vì vậy, các sĩ tử cần được bổ sung hàm lượng canxi, protein, đạm qua khẩu phần ăn hàng ngày,…

Trước tình trạng nhiều sĩ tử học nhồi nhét, trong mùa thi, theo GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều này là không khoa học và hiệu quả, bởi trong một khoảng thời gian, não chỉ có thể tiếp thu một lượng kiến thức nhất định. Đây chính là lý do của tình trạng học nhiều, cố gắng nhồi nhét mà tiếp thu chẳng được bao nhiêu, chậm nhớ chóng quên của các sĩ tử.

Theo đồng hồ sinh học, từ 21 đến 23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) đào thải chất độc. Từ 23h đêm đến 1h sáng là thời gian bài độc của gan, quá trình này cần tiến hành trong khi ngủ say. Do đó, không nên thức trong khoảng thời gian này sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể.

Ngoài ra, sĩ tử cũng đừng quên dành ra 7 đến 8 tiếng trong thời gian biểu để ngủ, việc ngủ đủ và ngon giấc giúp não thư giãn để nạp lại năng lượng, có khả năng hoạt động tốt nhất. Thực tế nhiều sĩ tử thi tốt nghiệp với điểm số khá cao mà vẫn ngủ đủ 8 tiếng một ngày. Điều quan trọng là nắm vững kiến thức và phân bố quỹ thời gian hợp lý để cân bằng việc học và sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức khỏe mùa thi: Sáng mệt, trưa ủ rũ, chiều thiếu tập trung, tối mỏi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO