An toàn giới tính cho con: Gia đình, nhà trường có thể làm gì?

Trần Vân 10/04/2017 08:00

Buổi tọa đàm “An toàn giới tính cho con: Gia đình, nhà trường có thể làm gì?” nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày sách Việt Nam vừa được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Chia sẻ tại tọa đàm “An toàn giới tính cho con: Gia đình, nhà trường có thể làm gì?”.

Chia sẻ tại tọa đàm “An toàn giới tính cho con: Gia đình, nhà trường có thể làm gì?”.

Có con trong lứa tuổi mầm non và biết nhiều chuyện liên quan đến quấy rối tình dục trong thời gian gần đây nhưng không ít bố mẹ vẫn chủ quan: “Mới 3 tuổi, giới tính gì mà giới tính!”.

Nhưng thực chất, quấy rối tình dục luôn có nguy cơ xảy ra ở bất kì đâu bất kỳ độ tuổi nào, vì một số đặc trưng văn hóa, lối sống của người Việt Nam. Để bảo vệ an toàn giới tính cho con, cách tốt nhất là giúp cha mẹ, nhà trường nhận biết và loại bỏ tối đa các nguy cơ trong cuộc sống hằng ngày của con.

Với sự tham gia của các khách mời là chị Phí Mai Chi - Chuyên gia trẻ em; chị Xuân Phạm - Hiệu trưởng trường mầm non Rising Star; chị Nguyễn Minh Trang - Founder Mầm Nhỏ, buổi tọa đàm là tiếng nói đa hướng nhưng nhằm một mục đích là tìm ra những việc thiết thực mà bố mẹ, nhà trường có thể làm để bảo vệ an toàn giới tính cho con yêu ngay từ lứa tuổi mầm non.

Đặc biệt đối với các bé mầm non, việc giáo dục giới tính cần được thường xuyên nhắc lại vì các bé rất dễ quên. Trong giai đoạn này, cha mẹ nhà trường có vai trò đặc biệt trong việc giúp trẻ cách phân biệt một số tình huống giả định có nguy cơ bị xâm hại và dạy trẻ cách xử lý trong hoàn cảnh đó.

Theo chị Phí Mai Chi có những sai lầm vô tình của người lớn trong gia đình khiến trẻ nhận thức không đúng đắn về an toàn thân thể: “Một số quan niệm văn hóa và bối cảnh sống ở Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị mất an toàn giới tính. Người lớn chúng ta thường hay đụng chạm vào bộ phận sinh dục của các em, đặc biệt là trẻ em nam và coi đó là một hành động bình thường. Mà không dạy cho các em đâu là hành động được và không được để cho người khác động chạm vào cơ thể mình. Dẫn đến các em không ý thức được khi mình đã bị xâm hại và coi đó là một hành động bình thường”.

Vậy chúng ta nên giáo dục giới tính cho các em như thế nào? Và khi nào? Hiệu trưởng Xuân Phạm chia sẻ: “Trước hết chúng ta phải hiểu rõ giáo dục giới tính là gì? Trong cuốn “Cẩm nang Giáo dục giới tính” của bác sĩ Nguyễn Lan Hải, giáo dục giới tính là giúp trẻ 1- Biết giữ vệ sinh cơ thể, 2- Bảo vệ sức khỏe sinh sản khi bước vào tuổi dậy thì, 3- Hình thành xu hướng tình dục lành mạnh và 4- nhận biết nguy cơ và cách phòng tránh bị xâm hại tình dục.

Giáo dục giới tính gồm 3 nội dung: giới tính, tính dục và tình dục. Theo các giai đoạn phát triển tâm tính dục của trẻ của nhà phân tâm học Signmund Freud, ở tuổi lên 3, trẻ có sự tò mò về giới tính và bắt đầu phát triển “tính dục” theo đúng tâm lí lứa tuổi.

Chúng ta có thể dạy cho các bé nhận biết về bộ phận sinh dục, biết cách vệ sinh thân thể từ khi bé 1, 2 tuổi và đến 3 tuổi thì dạy trẻ về tình cảm, cảm xúc với bạn khác giới một cách đúng đắn. Chẳng hạn, nhiều phụ huynh thường rất vui vẻ khi các bé chia sẻ về việc thích một cô bạn gái, cậu bạn trai trong lớp mà không hiểu rằng đây là những biểu hiện đầu tiên về tâm lí tính dục và chúng ta phải uốn nắn để các bé có thể phát triển trong sáng, lành mạnh.”

Là một bà mẹ có hai con nhỏ, diễn giả Phí Mai Chi cũng chia sẻ một số nguyên tắc mà các bậc phụ huynh nên chú ý: “Bước đầu để tiếp cận với việc giáo dục cho trẻ, phụ huynh nên gọi đúng tên bộ phận sinh dục. Chúng ta có rất nhiều tên gọi mặc định với nhau nhưng nên gọi một cách khoa học và được nhiều người dùng. Ở lứa tuổi này, các bé thường thích so sánh cơ thể với các bạn khác giới và có nhiều hành động như tốc váy, ngó nghiêng cơ thể.

Lúc này chúng ta không thể đánh giá đó là hành vi xâm hại tình dục mà chỉ là bản năng, tâm sinh lí của các bé. Bởi vậy các bậc phụ huynh cũng không nên nói chuyện đúng sai mà hãy dùng nên và không nên để các em có thể cởi mở và chia sẻ với chúng ta.

Ngoài ra ở độ tuổi này các bé thường hay thắc mắc trẻ em có từ đâu hoặc chơi các trò vợ chồng. Chúng ta cần chủ động giải thích hợp lí cho trẻ hiểu, nếu không trẻ có thể bắt trước hành vi đụng chạm vào các vị trí riêng tư trên cơ thể các bạn khác giới trong lớp, đó là một hành vi rất nguy hiểm”.

Các bậc phụ huynh đến tham gia tọa đàm cũng nhiệt tình trao đổi với các diễn giả. Một phụ huynh đặt ra câu hỏi: “Nhà tôi có hai cháu một trai, một gái. Có những lúc khi ngủ hoặc đang xem ti vi, hai cháu tò mò và sờ vào bộ phận sinh dục của mình. Liệu điều có phải là dư âm của quá trình phát dục hay không?”

Giải đáp thắc mắc, diễn giả Xuân Phạm trả lời: “Trước hết chúng ta nên nhận thức đúng về hành vi của trẻ và coi đó là một hành động bình thường của tâm sinh lí, và nên từ từ dạy cho trẻ để trẻ có những hiểu biết đúng đắn về hành vi của mình. Chớ vội trách mắng mà cần tìm hiểu, quan tâm và để ý hơn đến trẻ. Để kịp thời phát hiện nếu có những biểu hiện tâm lí khác”.

Quấy rối tình dục luôn có nguy cơ xảy ra dù có phòng ngừa cẩn thận đến mấy. Cha mẹ và thầy cô cần phải nhận biết và loại bỏ tối đa các nguy cơ trong cuộc sống hàng ngày của con là điều tối quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn giới tính cho con: Gia đình, nhà trường có thể làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO