Cảnh giác dịch bệnh tay chân miệng

Lê Vinh 10/09/2017 08:00

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh thành và thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, bùng phát. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành đề nghị triển khai chống dịch.

Trẻ em, đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng.

Nguy cơ tử vong
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, số mắc TCM trong cả nước đã tăng lên hơn 54.000 trường hợp, 23.272 bệnh nhân phải nhập viện. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc TCM đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi học sinh đã trở lại trường học. Thời điểm này cũng là mùa của dịch TCM theo chu kỳ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện vẫn đang cao điểm dịch sốt xuất huyết (SXH), tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng đi việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như TCM, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu.

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10.

Theo đó, bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh dễ mắc và lây cho trẻ em
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường- Trưởng Khoa Nhi, BV đa khoa Xanh Pôn, sở dĩ bệnh TCM thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. BS Thường cảnh báo chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng thường bị nóng gây lở loét miệng, vì vậy rất nhiều phụ huynh nhầm sang bệnh TCM do khi trẻ mắc bệnh này, trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng. Khi phát hiện, cha mẹ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ hay không. Nếu khó phân biệt được thì tốt nhất nên đưa trẻ đến chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí thích hợp.

Nếu trẻ chỉ bị viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng, với quầng đỏ xung quanh.

Với bệnh TCM, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không hiếm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng chống bệnh TCM cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị TCM. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý, một người có thể nhiễm bệnh TCM nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác dịch bệnh tay chân miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO