Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm chức năng

Xuân Thủy 30/08/2018 07:59

Chưa bao giờ việc giao dịch, mua bán các loại thực phẩm chức năng (TPCN) lại dễ dàng như hiện nay. Người tiêu dùng có thể tìm được đủ loại TPCN thông qua các hiệu thuốc, siêu thị, chợ truyền thống, mạng xã hội, hoặc lực lượng hội viên của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp…

Phát hiện nhiều vi phạm

Trong thông báo ngày 28/8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong thời gian vừa qua, trên các websitehttps://bothankankabanlinhphaimanh.blogspot.com; http://ehospital.vn; http://medium.com quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanka Katasuryokujin của Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Cục ATTP đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Khang Lạc Mỹ tại địa chỉ trụ sở chính: tầng 3 Lữ Gia Plaza, phường 15, quận 11, TPHCM. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định các website nêu trên không phải do Công ty thực hiện, do đó, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kanka Katasuryokujin đang quảng cáo tại các website nêu trên không đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trước đó, vào ngày 23/8, Cục ATTP đã thông báo danh sách hàng loạt các trang website có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, đó là: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục vị an, Dr Hepogan, Dr Centinmax, Dr Hecmen của Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế VIC quảng cáo trên các website voila-blog.com, hoclam.me; sendo.vn…

Cục ATTP lưu ý để người tiêu dùng biết thông tin và lựa chọn sản phẩm khi mua và sử dụng trên các trang website/internet. Do đó, người tiêu dùng khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website cần thận trọng để tránh vừa mất tiền vừa hại sức khỏe.

Tăng cường chống hàng giả

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vì lợi nhuận, cạnh tranh không bình đẳng, một số tổ chức, cá nhân đã quảng cáo quá mức hoặc sai sự thật về tác dụng của sản phẩm, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung vẫn tự in các tờ rơi, tờ gấp để quảng cáo...

Ngoài ra, do người tiêu dùng tự ý sử dụng, thậm chí các loại TPCN đã vô tình tiếp tay cho tình trạng làm ăn bất chính của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 đơn vị sản xuất, nhập khẩu TPCN, đến nay, đã có gần 4.000 đơn vị với hơn 20 nghìn sản phẩm đã công bố và được phép lưu hành.

Thực tế cho thấy, tình trạng làm ăn bất chính của nhiều cơ sở sản xuất TPCN đã ở mức đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhất là TPCN, cùng với việc xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý và xử phạt mạnh tay hơn nữa với các đối tượng vi phạm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN; giám sát chặt chẽ các hội thảo giới thiệu TPCN theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh.

Có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm một cách toàn diện từ việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu ban đầu, đến việc tuân thủ điều kiện bảo quản trong quá trình lưu thông phân phối, người dân được tiếp cận những sản phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm an toàn và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm chức năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO