Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Cần được quan tâm đúng mức

Khanh Lê 30/11/2017 09:35

Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, phản ánh từ các địa phương cho thấy, công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần đứng trước rất nhiều khó khăn.

Nhiều bất cập

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, 5 năm triển khai thực hiện Đề án, mạng lưới cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đã từng bước được củng cố và phát triển. Đã có 17/20 tỉnh, thành phố hỗ trợ nâng cấp, mở rộng Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, 7/26 tỉnh, thành phố được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị (tỷ lệ đầu tư đạt 30% quy hoạch) và 5/10 tỉnh, thành phố hỗ trợ xây dựng cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí (tỷ lệ thí điểm mô hình đạt 50% kế hoạch).

Tuy nhiên, so với số lượng và nhu cầu của đối tượng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí hiện nay thì mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội này vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu là chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn, đối tượng sống xa cách gia đình và cộng đồng. Trong khi đó các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng trị liệu tâm lý, lao động trị liệu. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, nhiều cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo về công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau.

Đánh giá về công tác chăm sóc sức khỏe người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, ông Nguyễn Văn Hồi- cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300.000 người). Tuy nhiên, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cho đến nay còn nhiều vấn đề bất cập. Nước ta có hệ thống các bệnh viện tâm thần từ Trung ương đến các tỉnh, tuy nhiên khả năng phục vụ chỉ ở mức thấp.

Đa phần người bệnh không được phát hiện và can thiệp sớm tại cộng đồng. Mặc dù, có đội ngũ nhân viên công tác xã hội nhưng còn thiếu những người làm công tác xã hội có đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp với loại hình bệnh này nên hoạt động chăm sóc người bệnh tâm thần chưa thực sự hiệu quả.

Cần sự quan tâm của toàn xã hội

Cũng theo ông Hồi, để hạn chế những bất cập trên, giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác…

Hiện nay, nhiều gia đình và chính người bệnh không biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Có nhiều phụ nữ có vấn đề về sức khỏe tâm thần sau sinh mà không biết dẫn đến hậu quả đau lòng. Điển hình nhất là vụ người mẹ đã giết chết con đẻ của mình vì trầm cảm sau sinh.

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội với người có vấn đề sức khỏe tâm thần” mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, một số nước yêu cầu nhân viên công tác xã hội phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe tâm thần phải có chuẩn đào tạo tương ứng… mới được hành nghề.

Trong khi đó ở Việt Nam, nguồn nhân lực lại vô cùng thiếu và yếu, chủ yếu kiêm nhiệm. Do đó cần phải “lấp đầy” các khoảng trống đó bằng việc cần thiết xây dựng Luật về nghề công tác xã hội. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: sửa đổi, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần. Ngoài ra cần phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nhân rộng mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tới quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đông đối tượng; Tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hòi chức năng cho người tâm thần; Tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Cần được quan tâm đúng mức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO