Chế độ ăn hợp lý giúp phòng bệnh ung thư

Ngọc Hải 05/12/2017 18:10

Gánh nặng ung thư đang ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước. Đến nỗi mỗi khi có ca bệnh tử vong là người ta nghĩ ngay đến ung thư. Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc và chết vì ung thư tăng là do người người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn.


Chế độ ăn hàng ngày cần có đủ rau quả tươi, giảm ăn thịt, đồ xào và chiên nướng.

Những nghiên cứu về bệnh ung thư tại Việt Nam đã cho thấy, việc phát hiện sớm các bệnh ung thư trong giai đầu chưa đạt được kết quả như mong đợi, vì vậy tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nhiều, khiến chi phí điều trị lớn và hiệu quả thấp. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trong các yếu tố góp phần gây ung thư thì chế độ ăn không hợp lý chiếm tỷ lệ 30-35%.

Các yếu tố góp phần gây ung thư tiếp theo là: hút thuốc và uống rượu (chiếm 30%), nhiễm khuẩn mạn tính (chiếm: 18-20%), hormone (chiếm 18-20%), nghề nghiệp và ô nhiễm chỉ chiếm 3%.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Dũng – Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện đào đạo Y học dự phòng và y tế công cộng), Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ung thư xảy ra ở mọi lứa tuổi, 80% trường hợp mắc ung thư từ 45 tuổi trở lên. Mọi bộ phận trên cơ thể đều có thể bị ung thư và ở người có khoảng 100 loại ung thư khác nhau. Các yếu tố môi trường là tác nhân lớn gây ra bệnh ung thư như hút thuốc lá, chế độ ăn, bệnh nhiễm trùng, hóa chất, phóng xạ…

Cụ thể, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, hút thuốc lá, uống rượu, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ăn nhiều thịt đỏ, sản phẩm sữa giàu chất béo làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến; thức ăn có nhiều muối, nhiễm vi khuẩn HP làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Vẫn theo tiến sỹ Dũng, hiện nay 30-40% số ca mắc bệnh ung thư trên toàn cầu là do chế độ ăn và ít hoạt động thể lực.

Nhiều khi bản thân mỗi loại thực phẩm không gây ung thư, nhưng các chất bảo quản thực phẩm, các chất trung gian chuyển hóa trong quá trình nấu nướng, chế biến và các chất sinh ra từ nấm mốc là những nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư. Ví dụ như thực phẩm đun nấu ở nhiệt độ cao có thể sinh ra các sản phẩm nhiệt phân như chất benzopyren và benzanthraxen, đây là một trong những tác nhân gây ung thư rất mạnh. Chúng ta không nên ăn những thức ăn rán to lửa bị cháy hoặc ăn những đồ nướng trên bếp than còn khói. Quá trình nhiệt phân các thực phẩm giàu protein như thịt, cá có nguy cơ gây đột biến mạnh, có thể gây nên một số khối u ở đại tràng, vú…

Ngoài ra, một số hóa chất khác như dư lượng các loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ, các loại thuốc dùng cho gia súc, các hóa chất dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm, bao bì, chất bôi trơn và nhiều hóa chất khác có liên quan tới nguồn gốc thực phẩm cũng có nguy cơ gây ung thư.

Để dự phòng ung thư dựa vào chế độ ăn, mỗi người dân cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập luyện, duy trì cân nặng hợp lý, uống nhiều nước và hoa quả tươi. Chế độ ăn hàng ngày cần có đủ rau quả tươi, giảm ăn thịt, giảm ăn các thức ăn xào, rán. Nên ăn cơm, bánh mì và các loại ngũ cốc khác được chế biến từ các loại hạt hoặc gạo xay xát không kỹ. Như vậy số ca mắc ung thư có thể giảm 60-70%. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân chỉ nên ăn dưới 504g thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu)/tuần thay vào đó ăn cá, đậu đỗ.

Tỉ lệ mắc ung thư ở cả 2 giới là 140/100.000 dân, đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chế độ ăn hợp lý giúp phòng bệnh ung thư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO